T5, 13/01/2022 09:42

Khai thác song hành với bảo tồn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ nhằm thực hiện các quy định chống khai thác IUU để gỡ “thẻ vàng” EC mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT lập Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Quy hoạch thuộc Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng đến mục tiêu năm 2030 bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; có cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tăng chất lượng, hiệu quả; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Khu bảo tồn sinh thái biển và khai thác du lịch đảo Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định. Ảnh: ST

Mục tiêu đến năm 2025

– Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lợi thủy sản được xây dựng hoàn thiện, được cập nhật thường xuyên, liên tục.

– Thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để bảo đảm đạt tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,4% diện tích vùng biển Việt Nam; góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển lên 6% vùng biển tự nhiên vùng biển quốc gia đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.

– Phục hồi 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển, 10% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái ngoài khu bảo tồn biển đã được điều tra, đánh giá.

– Ít nhất 15 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức quản lý.

– Ít nhất 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản có hiệu quả.

– Tối thiểu 5% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phục hồi, tái tạo.

– Trữ lượng nguồn lợi thủy sản được duy trì tương đương với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 – 2020.

Đến năm 2030

– Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản được thực hiện đầy đủ, liên tục; thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

– Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất.

– Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam; góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển lên 6% vùng biển tự nhiên vùng biển quốc gia đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.

– Phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong khu bảo tồn biển, 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái ngoài khu bảo tồn biển đã được điều tra, đánh giá.

– Ít nhất 15 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (so thời kỳ 2021 – 2025) phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức quản lý.

– Ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

– Tối thiểu 10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phục hồi, tái tạo.

– Trữ lượng nguồn lợi thủy sản phục hồi, tăng khoảng 5% so kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 – 2020.

Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên, Dự thảo cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; bảo tồn biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản…

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và quan trọng trong điều kiện hiện nay. Từ những định hướng và giải pháp, hệ thống các dự án trong Dự thảo Quy hoạch, căn cứ vào tình hình thực tế, cần nghiên cứu kỹ để có bản Dự thảo thật sự hoàn chỉnh và sát thực tiễn. Đây chính là hành lang pháp lý để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng như vấn đề khai thác.

Xuân Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!