Cá tra toàn cầu tăng và 6 giải pháp trong nước

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sản lượng cá tra nước ta vẫn đà tăng trưởng, năm nay giữ mức của năm 2020 và năm 2022 có thể tăng lên hơn 1,8 triệu tấn. Sản lượng cá tra toàn cầu cũng tăng, dự báo năm 2022 đạt hơn 3 triệu tấn. Cá tra Việt Nam mất thế độc quyền trên thị trường, đang đối diện nhiều thách thức.

Tăng trưởng giữa đại dịch

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đến hết tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra nước ta hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường Trung Quốc đứng đầu chiếm 28%, thị trường Mỹ thứ hai chiếm 22%. Dự tính cả năm 2021 đạt khoảng 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.

Về sản lượng, cũng theo VASEP, trong 11 tháng đầu năm 2021 thu hoạch 1,3 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng cả năm 2021 ước đạt 1,5 triệu tấn, tương đương năm 2020.

Sau nhiều tháng ảnh hưởng đại dịch, xuất khẩu giảm nên giá cá tra nguyên liệu bán dưới giá thành, tháng 11/2021 theo đà xuất khẩu phục hồi, giá cá nguyên liệu cũng đã tăng. Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho hay, giá cá tra đã lên mức 23.000 – 24.000 đồng/kg, trên giá thành, tuy nhiên người nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn do thời gian dài không bán được, phải “neo” cá trong ao nên chi phí tăng khá lớn.

Dù nhiều khó khăn, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sản lượng cá tra nước ta vẫn đà tăng trưởng, năm nay giữ mức của năm 2020 và năm 2022 có thể tăng lên hơn 1,8 triệu tấn. Sản lượng cá tra toàn cầu cũng tăng, dự báo năm 2022 đạt hơn 3 triệu tấn. Cá tra Việt Nam mất thế độc quyền trên thị trường, đang đối diện nhiều thách thức.

Ngành cá tra cần phải chuyển dịch mạnh mẽ theo cơ chế thị trường. Ảnh: Gia Bảo

Kế hoạch ở địa phương

Tỉnh An Giang có thế mạnh nuôi cá tra ở ĐBSCL bởi nằm thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh là 1.235 ha, trong đó đã có 1.049 ha liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân. Năm 2021, thị trường xuất khẩu giữ ổn định ở Nga, Mexico, Brazil, Thái Lan, Trung Quốc. Để ngành cá tra phát triển bền vững trước những cơ hội, thách thức mới, An Giang tập trung cải thiện chất lượng giống, bảo vệ môi trường, tăng ứng dụng công nghệ mới.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết cụ thể, tỉnh đang tập trung hỗ trợ người nuôi và các doanh nghiệp thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo điều kiện xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giống, nuôi cá tra thương phẩm với hạt nhân là doanh nghiệp.

Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, đến nay, cấp 1 là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã cung cấp 12.320 con cá tra bố mẹ để thay thế khoảng 30% đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh. Cấp 2 là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và một số cơ sở đang có 26.300 con cá bố mẹ (64% toàn tỉnh) cung cấp một năm 6,8 tỷ cá bột. Cấp 3 là các chi hội ương giống cá tra với năng lực sản xuất một năm 700 – 800 triệu con giống.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo kế hoạch, đến năm 2030, An Giang có diện tích nuôi thủy sản 3.500 ha, trong đó nuôi cá tra xuất khẩu 1.550 ha; sản lượng thủy sản nuôi 621.180 tấn, trong đó cá tra 482.755 tấn. Năm 2030, các vùng nuôi cá tra được đăng ký mã số nuôi trồng, và 80% được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP, ASC, BAP…

6 giải pháp vượt thách thức

Ngày 9/12/2021, tại Hội nghị trực tuyến bàn việc phát triển cá tra năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu 6 giải pháp.

Một, các tỉnh vùng ĐBSCL chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn có liên quan tới cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm (giống, cá tra thương phẩm, vật tư đầu vào…), cấp giấy chứng nhận, thống kê, tập huấn phổ biến thông tin, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm. Các tỉnh cần có chính sách phù hợp để phát triển vùng nuôi liên kết với cơ sở chế biến, tiêu thụ theo yêu cầu từ thị trường.

Hai, Cục Thú y tăng cường kiểm soát dịch bệnh, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thủy sản và các địa phương ĐBSCL.

Ba, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có trách nhiệm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm vùng nuôi cá tra, đặc biệt vùng nuôi cung cấp nguyên liệu xuất khẩu; chia sẻ kết quả kiểm tra dư lượng với Tổng cục Thủy sản để phối hợp chỉ đạo nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Bốn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thường xuyên cập nhật diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu, chia sẻ thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở nuôi để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Năm, các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi ngành hàng cá tra xây dựng thương hiệu và chiến lược thích ứng, phát triển bền vững.

Sáu, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tiện lợi cho tiêu dùng, phù hợp với bữa ăn gia đình và theo từng phân khúc thị trường. Đẩy mạnh giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra; thực hiện truy xuất nguồn gốc. Chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu cá tra sang thị trường EU, sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan có hiệu lực nhờ Hiệp định EVFTA.

“Để vượt qua thách thức, ngành hàng cá tra phải chuyển dịch mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, chủ động thích ứng với điều kiện mới. Cả ngành phải trở thành một hệ sinh thái bền vững”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngọc Duyên 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!