Dấu ấn công nghệ nuôi tôm năm 2021

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Qua nhiều năm, ngành tôm không ngừng thay đổi và cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Dưới đây là một số công nghệ phát triển mạnh mẽ cả trong nước và trên thế giới trong năm 2021, mang lại hiệu quả bền vững cho người nuôi.

Công nghệ RAS

Công nghệ RAS trong nuôi tôm hiện nay đang là một xu thế trên thế giới để đưa nông nghiệp phát triển hiện đại, ổn định. Ở Việt Nam, cũng có một số nghiên cứu nhưng phạm vi còn hạn chế, kết quả được đưa vào thực tiễn sản xuất còn rất ít, chủ yếu mới được sử dụng trong sản xuất tôm giống, trong sản xuất thương phẩm chưa phổ biến do chi phí đầu tư ban đầu cao. Ngoài ra, công nghệ này yêu cầu người vận hành phải có trình độ chuyên môn và được đào tạo bài bản. RAS được cải tiến, áp dụng trong các trại sản xuất giống tôm từ năm 2000, nhất là các trại giống ở ĐBSCL, đem lại hiệu quả rõ rệt đối với việc kiểm soát yếu tố môi trường, tiết kiệm nước và nâng cao tỷ lệ sống của ấu trùng (70 – 92%). Năm 2019, Hợp tác xã Quyết Thắng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã tiến hành thử nghiệm mô hình, kết quả chỉ từ 3 – 3,5 tháng, tôm đạt cỡ 30 – 33 con/kg thay vì hơn 4 tháng như trước.

Trang trại nuôi tôm RAS trong nhà. Ảnh: Intrafish

Ương nuôi tôm trong nhà IPRS

Nuôi tôm vụ đông ở khu vực miền Bắc là rất khó bởi nhiệt độ xuống thấp dẫn đến dịch bệnh và chi phí cao. Vì thế, ương nuôi tôm trong nhà ISPS (Indoor Shrimp Production System) với các hệ thống xử lý nước trong điều kiện nhiệt độ thấp đã được nghiên cứu và mang lại hiệu quả. ISPS là công nghệ ương nuôi tôm trong nhà được phát triển ở Nhật Bản có mùa đông lạnh hơn miền Bắc Việt Nam; vì thế nó có thể giúp người nuôi tôm ở các tỉnh miền Bắc đương đầu với những thách thức hiện nay. Năng suất nuôi tôm của công nghệ ISPS lần đầu được thử nghiệm tại Việt Nam cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ này vào thực tiễn sản xuất. Một số ưu điểm có thể thấy của công nghệ ISPS là khả năng kiểm soát môi trường, mật độ vi khuẩn và mật độ tảo tốt hơn so với nuôi ao ngoài trời, từ đó giúp giảm thiểu dịch bệnh.

Công nghệ Biofloc

Biofloc đã trở nên phổ biến trong các trang trại nuôi TTCT. Nguyên lý của công nghệ nuôi này là tạo và duy trì các hạt floc lơ lửng trong ao nuôi, khi đạt được mật độ nhất định chúng sẽ xử lý chất thải hữu cơ và trở thành nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, giúp tiết kiệm lượng thức ăn. Công nghệ này không chỉ làm giảm giá thành sản xuất mà còn mang lại môi trường nước ổn định, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đốm trắng trên tôm. Gần đây, Semi-Biofloc là công nghệ mới được đơn giản hóa từ mô hình Biofloc cũng đã mang lại hiệu quả cao. Lượng thức ăn sử dụng cho tôm nuôi bằng công nghệ này có thể giảm tới 30%. So với RAS, Biofloc và Semi-Biofloc được nông hộ tại Việt Nam áp dụng rộng rãi do mức đầu tư thấp hơn, không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

Nuôi nhiều giai đoạn

Hiện nay ở các địa phương của nước ta áp dụng chủ yếu là công nghệ nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn. Áp dụng công nghệ này, trong giai đoạn đầu, tôm được ương khoảng 20 – 30 ngày trong diện tích ao nhỏ nhằm giảm tác động của thời tiết và môi trường bên ngoài, hạn chế được hiện tượng tôm chết sớm. Sau đó chuyển đến giai đoạn 2 nuôi thương phẩm ở ao lớn từ 60 – 70 ngày (nếu nuôi 3 giai đoạn thì giai đoạn này chia làm 2 giai đoạn nhỏ, mỗi giai đoạn kéo dài 25 – 30 ngày). Áp dụng công nghệ này có thể nuôi được 4 – 5 vụ/năm, giảm chi phí sản xuất và diện tích nuôi, tôm giảm hẳn dịch bệnh, tăng trưởng tốt hơn. Hiện công nghệ nuôi tôm 2 hoặc 3 giai đoạn đang áp dụng ở nhiều doanh nghiệp và địa phương tại Việt Nam như Nam Định, Nghệ An, Bạc Liêu và cho ra kết quả như mong đợi.

Nuôi tôm trong ao tròn nổi

TTCT nuôi trong ao nổi dạng tròn không những ít dịch bệnh mà còn rất khỏe mạnh, tỷ lệ sống và mật độ nuôi thả cao. Đây là một trong những phương pháp tiên tiến đang được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng thành công. Nếu như ao nuôi hình chữ nhật truyền thống có nhược điểm là các góc chết, nơi dòng chảy của nước bị cản trở tạo điều kiện cho chất thải tích tụ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến con nuôi. Thì phương pháp này dựa vào lực ly tâm để đẩy và thu gom thức ăn thừa, phân tôm vào giữa ao, giúp người nuôi loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Bên cạnh đó, diện tích nuôi ít dẫn đến chi phí đầu tư thiết bị như quạt nước, hệ thống đường ống dẫn… Nếu như ao nuôi bình thường mật độ chỉ đạt từ 80 – 150 con/m2, còn đối với mô hình này, tôm có thể thả với mật độ từ 200 – 500 con/m2, thậm chí là lên đến 1.000 con/m2. Tỷ lệ sống của tôm đạt từ 90 – 100% vì tôm có sức đề kháng cao, môi trường ao nuôi ổn định.

Nuôi tôm thông minh

Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số trong nuôi tôm là một phương thức sản xuất thông minh. Phương pháp này sử dụng IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, 5G, điện toán cloud, robot, thông qua điều khiển từ xa hoặc điều khiển độc lập bằng robot đối với các cơ sở nuôi, thiết bị và máy móc để hoàn thành tất cả các hoạt động sản xuất và quản lý. Đó là sự tích hợp của công nghệ thông tin hiện đại và toàn bộ chuỗi công nghiệp sản xuất, vận hành, quản lý và dịch vụ nuôi tôm. Thông qua thiết bị tiên tiến và robot, người nuôi có thể dễ dàng hoàn thành các công việc quản lý, chăm sóc, xử lý nước… Điển hình như thiết bị giám sát chất lượng nước ao, giúp người nuôi có thể giám sát nước ao 24/24 giờ qua điện thoại thông minh. Nếu các thông số vượt quá ngưỡng cho phép, nó sẽ gửi cảnh báo cho người nuôi kịp thời có giải pháp xử lý. Ngoài ra, một số ứng dụng còn giúp truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Điều này cho phép người mua có thể xem lại toàn bộ quá trình nuôi từ khi thả giống, tôm bao nhiêu ngày tuổi, ăn những loại thức ăn nào, dùng những loại thuốc gì…

Máy cho ăn tự động

Sử dụng máy cho ăn tự động là một giải pháp kỹ thuật tối ưu trong nuôi tôm hiện nay. Với máy cho ăn tự động, thức ăn sẽ được rải đều trong phạm vi vòi văng, cung cấp chính xác lượng thức ăn cần thiết mà người nuôi mong muốn, giúp quản lý thức ăn tốt hơn. Việc vận hành máy có thể thực hiện từ xa bằng phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh cùng cơ chế cảnh báo các trạng thái lỗi của máy khi hoạt động. Toàn bộ dữ liệu được báo cáo theo thời gian thực và được lưu trữ giúp người nuôi truy xuất và dự đoán được khối lượng tôm trong ao. Bên cạnh đó, thiết bị còn hỗ trợ người nuôi quản lý lịch cho ăn cũng như tính toán lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu. Cung cấp báo cáo của từng ao theo từng ngày, tháng và cả vụ nuôi.

Thiết bị chuyển tôm

Qua khảo sát thực tế hiện nay, việc chuyển và thu hoạch tôm ở các hộ nuôi phần lớn được triển khai theo phương pháp truyền thống, tiêu tốn nhiều thời gian, nhân công và độ chính xác chưa cao. Đồng thời có thể gia tăng khả năng lây lan mầm bệnh giữa các ao. Do đó, nhiều trang trại đã và đang thực hiện công việc chuyển, thu hoạch tôm bằng máy bơm, sử dụng hệ thống điều khiển từ xa. Thiết bị này góp phần giúp người nuôi cắt giảm tối đa nguồn nhân công cũng như chi phí sản xuất. Với công suất máy có thể lên tới 5 – 8 tấn tôm/giờ và đẩy xa 1.200 m, thiết bị giúp rút ngắn thời gian cũng như tăng độ chính xác trong việc đếm tôm. Quá trình vận chuyển tôm bằng máy bơm được đánh giá là an toàn khi tôm không bị trầy xước, gãy râu hay dập thân. Bên cạnh đó, giảm thiểu stress trong quá trình vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt, đạt tiêu chuẩn vào các thị trường khó tính.

Nguyễn An

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!