(TSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Nuôi trồng thủy sản Ghana Mavis Hawa Koomson, lệnh cấm nhập khẩu cá rô phi ở Ghana sẽ được duy trì cho đến khi quốc gia Tây Phi này đạt được mức sản xuất phù hợp để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Vị Bộ trưởng phát biểu vào đầu tháng 2 vừa qua trong lễ ra mắt chính thức kho chứa Volta Catch, do Tropo Farms điều hành ở thị trấn Kasoa, cho biết Bộ sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật của đất nước để thực thi lệnh cấm và đảm bảo không có bất hợp pháp nào trong nhập khẩu cá rô phi, theo tờ Business Ghana đưa tin.
Đây là lệnh cấm mà nước này đã thực hiện vào năm 2014 nhưng đã bị đình chỉ nhiều lần kể từ đó, là một phần trong nỗ lực của Ghana nhằm chống lại sự xâm nhập của cá rô phi giá rẻ vào thị trường địa phương, bao gồm cả các sản phẩm từ Trung Quốc, và ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus TiLV, vốn nổi lên như mối đe dọa đối với ngành cá rô phi toàn cầu trong năm 2017 và 2018.
Trang trại nuôi cá rô phi tại Ghana. Ảnh: FCWCGG
Sản lượng cá rô phi trung bình hàng năm của Ghana là khoảng 70.000 tấn kể từ năm 2013. Trang trại Tropo, sản xuất cá rô phi của Volta Catch, hiện là một trong những nhà sản xuất cá rô phi thương mại hàng đầu ở Ghana. Việc mở kho chứa mới dự kiến sẽ tăng khả năng mở rộng phân phối của Công ty trên khắp Ghana, nơi cá chiếm 50 – 80% lượng protein động vật được tiêu thụ trong cộng đồng người dân quốc gia Tây Phi.
Mức tiêu thụ cao đó đã dẫn đến nhu cầu về cá rô phi vượt sản lượng, nhưng Ghana đang cố gắng mở rộng quy mô sản xuất cá rô phi – đặc biệt là ở Hồ Volta, nơi nghiên cứu gần đây cho thấy sản lượng cá rô phi có thể tăng 25%.
“Ghana có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản do các điều kiện phát triển tối ưu, chẳng hạn như điều kiện đất đai và nhiệt độ tốt, nguồn nước sẵn có và nhu cầu cao về cá tại địa phương” bà Koomson cho biết.
Ngoài lệnh cấm, Ghana cũng đang triển khai các biện pháp hỗ trợ sản xuất cá rô phi trong nước. Quốc gia này đã khởi động nỗ lực “Đẩy nhanh phát triển nuôi trồng thủy sản ở Ghana thông qua sản xuất và phổ biến giống cá rô phi bền vững” vào đầu năm 2019. Chương trình 3 năm tập trung vào giải quyết các vấn đề trong hệ thống giống và khuyến nông cá rô phi, điều mà Ghana hy vọng sẽ nâng cao sản lượng và lợi nhuận của nuôi cá rô phi trong lồng và trong ao – các hệ thống nuôi cá rô phi chính được sử dụng ở Hồ Volta.
Minh Anh
Theo Seafoodsource