(TSVN) – Thời điểm này, hàng trăm tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ đang nối đuôi nhau cập cảng với hàng trăm tấn cá ngừ, báo hiệu một năm khai thác hiệu quả. Không chỉ đạt sản lượng cao, giá cá ngừ còn đang cao kỷ lục, ngư dân càng có thêm động lực vươn khơi.
Cả nước hiện có hơn 3.600 tàu cá với khoảng 35.000 lao động đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu là ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, sản lượng khoảng 20.000 – 35.000 tấn/năm. Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại các cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định); cảng Đông Tác, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) hay cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) nhộn nhịp hẳn. Riêng sau Tết đến nay, tại ba tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên có 1.171 tàu cá về bến nặng khoang, cùng niềm vui của ngư dân sau chuyến đi biển xuyên Tết hiệu quả, được mùa, được giá.
Tại Khánh Hòa
Tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, trong 2 chuyến biển đầu năm 2022, ngư dân khai thác xa bờ sản lượng khai thác đạt khá cao, trung bình các tàu câu cá ngừ đại dương đạt sản lượng từ 1 tấn trở lên; tàu lưới cản đường dài khai thác cá ngừ sọc dưa cũng đạt sản lượng 10 – 12 tấn/tàu.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, có khoảng 126 tàu cá đăng ký tham gia đánh bắt thủy sản trên biển trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm khai thác, đón Tết trên biển, từ giữa tháng Chạp năm Tân Sửu, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa vận động các doanh nghiệp hỗ trợ nhiều suất quà Tết, áo phao và cờ Tổ quốc để trao tặng ngư dân; mong muốn bà con chấp hành tốt các quy định khi đánh bắt trên biển, cùng ngành thủy sản sớm tháo gỡ thẻ vàng của EC, nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu thủy sản.
Ảnh minh họa
Tại Phú Yên
Như mọi năm, bắt đầu từ mồng 4 Tết là nhiều tàu khai thác cá ngừ xuyên Tết cập bến. Theo ngư dân, sau khoảng hơn 20 ngày khai thác và đón Tết cổ truyền trên biển, tàu cá đánh bắt được khoảng 2 – 3 tấn cá ngừ đại dương.
Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, thời điểm đón Tết Nguyên đán, Phú Yên có tổng số 185 tàu cá với 925 ngư dân có mặt trên biển. Truyền thống của bà con là vừa đón Tết cổ truyền giữa biển khơi, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc vốn là nét đẹp truyền thống của ngư dân các tỉnh có lợi thế về nghề câu cá ngừ đại dương.
Tại Bình Định
Những ngày ngày, cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn luôn tấp nập tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh Bình Định cập cảng để bán cá ngừ đại dương cho thương lái. Theo UBND thị xã Hoài Nhơn, ngư dân thị xã Hoài Nhơn có 1.140 tàu với 6.800 lao động bám biển, chiếm 54% tổng số tàu cá khai thác xa bờ. Tính đến thời điểm này, các tàu cá của ngư dân địa phương đã cập cảng. Hầu hết, các tàu cá khai thác từ 40 – 50 con cá ngừ.
Theo chia sẻ của doanh nghiệp thu mua cá ngừ, 3 tháng trở lại đây, giá cá ngừ đại dương bán tại cầu cảng liên tục tăng từ 130.000 đồng/kg, đến thời điểm này có nơi giá đã đạt 160.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong những năm qua.
Nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mới có hiệu lực, tạo điều kiện cho xuất khẩu thủy sản nên nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến đang tăng cao khiến giá thu mua cũng tăng cao.
Cá ngừ đại dương vừa cập cảng đã được bán nhanh chóng vừa giúp ngư dân có khoản thu nhập ổn định mà vừa có thời gian chuẩn bị nhiên liệu, vật liệu và thực phẩm cho những chuyến biển dài ngày tiếp theo.
Thời gian qua, nghề khai thác cá ngừ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ngư dân còn đánh bắt đơn lẻ, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển, vốn vay cho tàu đánh bắt cá ngừ ít, thời gian trả vốn lại ngắn nên đã cản trở rất nhiều đến năng lực khai thác. Việc tổ chức khai thác, thu mua, chế biến còn nhiều hạn chế, nhất là công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch khiến chất lượng không bảo đảm, chỉ 5 – 6% cá ngừ câu tay, 30 – 40% cá ngừ câu vàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bằng đường hàng không. Mặt khác, người khai thác cá ngừ mới chỉ quan tâm đến năng suất để tăng thu nhập và lợi nhuận, chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường để tăng giá trị sản phẩm.
Để khắc phục những tồn đọng trên, các địa phương đã và đang có nhiều giải pháp tích cực để phát triển nghề khai thác cá ngừ bền vững và xây dựng thương hiệu cá ngừ Việt Nam trên thị trường xuất khẩu:
Tỉnh Bình Định đã phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa) xây dựng dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định. Mục tiêu của dự án nhằm tiến tới xây dựng chuỗi liên kết bền vững, sản phẩm cá ngừ đại dương có đầu ra ổn định, giá bán cao. Ngoài việc tăng thu nhập cho ngư dân, dự án còn hướng đến nâng giá trị nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định”, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp.
UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với phía Nhật Bản về việc phát triển thủy sản và cuối tháng 11/2021. Theo thỏa thuận này, Phú Yên sẽ hợp tác với Tập đoàn Kiyomura của “vua cá ngừ Nhật Bản” Kiyoshi Kimura để phát triển thủy sản, nhất là tổ chức và phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương, mở ra cơ hội cho nghề khai thác cá ngừ tại địa phương.
Thời gian tới, Phú Yên sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ được chú trọng đúng mức, như: Cải tiến công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu, nâng cao tay nghề cho thuyền viên, liên kết theo tổ đội sản xuất trên biển để rút ngắn thời gian chuyến biển, liên kết giữa đội tàu với doanh nghiệp thu mua, chế biến để bảo đảm chuỗi giá trị bền vững, các bên cùng có lợi.
Minh Hiếu