Những năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) bị ô nhiễm và thu hẹp dần. Trước thực trạng ấy, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh Quảng Trị đã thực hiện dự án cải tạo rừng ngập mặn nhằm giữ “bức tường xanh” nơi cửa biển.
Trước đây, khu rừng ngập mặn trên địa bàn thôn Tân Xuân được xem là “cần câu cơm” của nhiều gia đình. Nhờ nguồn lợi thủy sản dồi dào, các loại động, thực vật phong phú, khu rừng đã góp phần giúp bà con cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, rừng còn là lá chắn ngăn chặn sự xâm thực của nước biển. Nhờ thế, nhiều hộ dân đã có thể mở rộng diện tích nuôi các loại thủy sản ở vùng lân cận rừng, mang lại nguồn thu đáng kể.
Người dân thôn Tân Xuân tham gia lớp tập huấn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn
Tuy nhiên, do không được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, khu rừng ngập mặn trên địa bàn thôn Tân Xuân đang bị thu hẹp dần, nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ suy kiệt. Một số người dân thiếu ý thức đã chặt phá cây, săn bắt các loại thủy sản, động vật trái phép làm khu rừng ngập mặn bị tàn phá. Bên cạnh đó, bà con còn tập trung đổ rác thải, làm môi trường rừng ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Sinh, trú tại thôn Tân Xuân cho biết: “Trước đây, các loại động thực vật ở rừng ngập mặn rất phong phú. Song, giờ thì rừng bị con người tàn phá nghiêm trọng. Đặc biệt, rác từ thượng nguồn đổ về hạ lưu sông Thạch Hãn, rồi do người dân xả bừa bãi đã làm rừng ngập mặn bị ô nhiễm. Chúng tôi ở đây nhiều năm nay còn không chịu được”.
Sự tàn phá rừng ngập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân thôn Tân Xuân. Bà con không thể sống dựa vào rừng như trước vì nguồn lợi thủy sản, động thực vật giảm sút đáng kể. Bên cạnh đó, việc nuôi thủy sản ở gần khu vực rừng cũng bị ảnh hưởng đáng kể do nguồn nước bị ô nhiễm.
Nằm cạnh rừng ngập mặn, hồ nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Đức Lộc rộng gần 1.500 m2. Trước đây, năm nào gia đình ông cũng thu được gần 3 tạ/vụ, từ ngày khu rừng ngập mặn bị tàn phá, việc nuôi tôm của gia đình ông Lộc lụn bại dần nên đành bỏ hồ nuôi tôm để tìm kế sinh nhai khác. Ông cho biết: “Trước đây, bà con nuôi tôm ở gần khu rừng ngập mặn này rất nhiều. Năm nào chúng tôi cũng được mùa và ăn tết rất to. Giờ thì diện tích hồ nuôi tôm bị bỏ hoang dần. Nhiều hộ chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác nhưng chẳng có tín hiệu gì khả quan”.
Nhằm giúp người dân phát triển sinh kế dựa vào rừng ngập mặn, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh đã thực hiện dự án “Cải tạo, phục hồi môi trường và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn tại thôn Tân Xuân”. Được triển khai từ tháng 9/2012, mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức người dân về việc bảo vệ môi trường; cải tạo, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại vùng hạ lưu sông Thạch Hãn để giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Anh Nguyễn Trọng Hữu, quản lý dự án cho biết: “Hiện nay, việc bảo vệ rừng ngập mặn nhằm ứng phó với sự biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm chung của toàn cầu. Với dự án “Cải tạo, phục hồi môi trường và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn tại thôn Tân Xuân”, chúng tôi tập trung thực hiện các hoạt động như tuyên truyền, thu gom rác thải, trồng mới rừng… Tất cả các hoạt động này đều hướng đến mục đích lớn nhất là nâng cao nhận thức của người dân”.
Trong khuôn khổ dự án, cán bộ, nhân viên Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh cùng các tình nguyện viên đã có những chuyến khảo sát thực địa; thu gom, xử lý rác thải; tổ chức các lớp tập huấn, trò chuyện chuyên đề nhằm tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ “sự sống” của rừng. Qua đó, bà con đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn.
Một người dân địa phương chia sẻ: “Nhờ được tuyên truyền, vận động, chúng tôi càng ý thức sâu sắc hơn việc bảo vệ rừng ngập mặn. Đây là nền tảng quan trọng để bà con vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển sinh kế. Vì vậy, nhiều người đã tự giác bảo vệ rừng ngập mặn bằng những việc làm cụ thể như không đổ rác bừa bãi; tố giác các trường hợp xâm hại rừng; kiên quyết không phá rừng để làm hồ nuôi tôm…”.
Thời gian qua, không ít các địa phương trên cả nước đã phải trả cái giá quá đắt khi xâm hại, tàn phá rừng ngập mặn. Khi còn chưa quá muộn, người dân thôn Tân Xuân, xã Gio Việt nói riêng và trong tỉnh nói chung cần chung tay giữ rừng ngập mặn bằng những hành động cụ thể như: xây dựng quy ước cấp thôn về bảo vệ rừng; cắt cử người làm nhiệm vụ quản lý rừng ngập mặn; nghiêm cấm các hành vi xâm hại, tàn phá môi trường rừng… Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần nhân rộng, phát huy và đẩy mạnh hiệu quả của những dự án bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn tại các địa phương. Thiết nghĩ gìn giữ “bức tường xanh” nơi cửa biển phải là nhiệm vụ của mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.