T2, 06/07/2020 10:17

Phú Yên: Kỳ vọng mùa biển mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Chỉ từ ngày 5 đến 17/2 (25 tháng Chạp đến mùng 8 tết), tại cảng cá Đông Tác và bến cá phường 6 có hơn 200 tàu câu cá ngừ đại dương về bến, trung bình mỗi tàu đánh bắt từ 1,6 – 2 tấn cá ngừ, nhiều tàu có lãi. Ngư dân tranh thủ ăn tết, mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết để mở biển vươn khơi, với hy vọng chuyến biển đầu năm Quý Tỵ này gặp nhiều thuận lợi, đánh bắt được nhiều cá.

Nhiều tàu câu cá ngừ có lãi

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 tại cảng cá Đông Tác và bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa), không khí làm việc khẩn trương. Nhiều tàu thuyền cập bến tấp nập, trên cầu cảng mỗi ngày có hàng trăm người khiêng cá, hàng chục xe tải đông lạnh vận chuyển cá của ngư dân đi nơi khác tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Dũng – thuyền trưởng và là chủ tàu PY96044TS ở phường 6, cho biết: “Tính đến ngày 17/2 (mùng 8 tết) cả đi lẫn về là 27 ngày, chúng tôi câu được hơn 60 con cá ngừ đại dương và một số cá khác, tổng cộng hơn 3 tấn cá. Hiện giá cá ngừ chỉ 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí hơn 170 triệu đồng, tôi còn lãi hơn 200 triệu đồng”. 

Ca1130219.jpg 

Ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) chuyển cá ngừ đại dương lên bờ sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển – Ảnh: A.Ngọc

Các thuyền viên làm việc trên tàu PY96044TS của ông Nguyễn Văn Dũng cũng phấn khởi hơn, bởi chuyến biển này gặp nhiều thuận lợi. Thuyền viên Đặng Văn Quyền cho biết: “Chuyến biển vừa rồi gặp luồng cá, sóng yên biển lặng nên chúng tôi câu được nhiều cá, mỗi thuyền viên được chia gần 14 triệu đồng. Do xuất bến trước tết nên chúng tôi không được sum họp cùng gia đình trong ba ngày tết, bây giờ vào bờ ăn tết muộn một chút cũng không sao”.

Ông Nguyễn Phi Linh, chủ tàu cá PY90279TS ở phường 6, cập bến ngày 7/2 (27 tháng Chạp), cho biết: “Sản lượng cá chuyến đánh bắt cuối cùng của năm Nhâm Thìn tàu tôi không bằng một số tàu khác, nhưng cũng có lãi và chia cho bạn thuyền mỗi người hơn 6 triệu đồng để ăn tết”. Còn đối với 9 thợ bạn trên tàu cá PY96279TS của ông Phạm Duy Cương thì kém vui hơn. Ông Cương cho biết, vì không gặp luồng cá nên chuyến biển cuối năm Nhâm Thìn kéo dài đến 40 ngày, về đến bến ngày 7/2, nhưng chỉ đánh bắt được khoảng 1,4 tấn cá ngừ, sau khi trừ chi phí, phần còn lại chia cho mỗi bạn thuyền chỉ 2 triệu đồng. 

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội kiểm soát Đồn biên phòng Tuy Hòa, cho biết: “Từ ngày 5 – 17/2 (tức 25 tháng Chạp đến mùng 8 tết) tại cảng cá Đông Tác và bến cá phường 6 đã có hơn 200 tàu câu cá ngừ đại dương ở TP Tuy Hòa về bến, trung bình mỗi tàu đánh bắt từ 1,6 – 2 tấn cá ngừ, trong đó có hơn 10 tàu mỗi tàu đánh bắt hơn 3,4 tấn cá. Tuy nhiên, cũng có một số tàu cập bến trước Tết Nguyên đán đánh bắt chỉ đạt từ 1,2 – 1,4 tấn cá, có tàu vừa đủ phí tổn”.

Vẫn còn đó nỗi lo

Từ ngày 15/2 (mùng 6 tết) nhiều tàu câu cá ngừ đại dương ở các phường 6, Phú Đông, Phú Thạnh, Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đồng loạt mở biển vươn khơi đánh bắt chuyến đầu tiên của năm Quý Tỵ. Chuyến mở biển đầu năm này ngư dân chuẩn bị rất chu đáo, nhiều tàu câu được tiếp đầy đủ nhiên liệu, ngư dân khẩn trương chuyển đá lạnh dùng để ướp cá và các nhu yếu phẩm cần thiết lên tàu để chuẩn bị ra khơi. Ông Võ Thành Trung chủ tàu cá PY96139TS ở phường 6, cho biết: “Chuyến biển đầu năm, tàu tôi chuẩn bị khoảng 6.000 lít dầu diezel, cộng với đá lạnh dùng để ướp cá và các nhu yếu phẩm cần thiết, tổng chi phí gần 180 triệu đồng. Chi phí chuyến biển càng ngày càng tăng, nếu giá cá tăng lên tương ứng thì không có gì lo lắng, đằng này giá cá ngừ đại dương hiện chỉ ở mức 130.000 đồng/kg thì mỗi chuyến biển phải đánh bắt khoảng 1,4 tấn cá trở lên mới có lãi”.

Ông Đặng Tấn Son ở phường Phú Lâm, chủ tàu cá PY96146TS, cho biết: “Với công suất máy 160CV, bình quân mỗi chuyến biển gần một tháng tàu tiêu thụ từ 5.000 -6.000 lít dầu diezel. Không chỉ dầu mà giá một số mặt hàng cần thiết khác cho mỗi chuyến đi cũng tăng theo, tạo thêm gánh nặng cho ngư dân. Thay vì thời gian này năm trước, chi phí cho một chuyến biển khoảng 150 triệu đồng thì nay lên khoảng 180 triệu đồng. Ngư dân muốn ra khơi phải tính toán kỹ lưỡng, nếu đánh bắt không hiệu quả thì ôm nợ là cái chắc”.

Ngư dân câu cá ngừ đại dương đang gặp nhiều khó khăn do giá cá liên tục xuống thấp, từ 170.000 đồng/kg còn 130.000 đồng/kg, trong khi giá nhiên liệu, ngư cụ và các vật dụng thiết yếu cho chuyến biển không ngừng tăng. Cách đánh bắt cá ngừ đại dương có sử dụng đèn cao áp để dẫn dụ cá của ngư dân một số tỉnh lân cận đã làm nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, trong khi ngư dân Phú Yên đa số đánh bắt theo kiểu truyền thống (câu vàng) nên sản lượng đạt thấp. Tàu cá ra vào cửa biển Đà Rằng thường bị mắc cạn, thậm chí có tàu bị chìm gây thiệt hại lớn cho ngư dân…

Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) bức xúc: “Ngư dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền về tình trạng bồi lấp cửa biển Đà Rằng, nhưng đã 2 năm nay cửa biển này vẫn chưa được khai thông”. Theo Đồn biên phòng Tuy Hòa, trong năm 2012 đã xảy ra hơn 80 vụ tàu cá ra vào cửa biển Đà Rằng bị mắc cạn. Mỗi lần tàu cá bị mắc cạn, Đồn biên phòng Tuy Hòa đã cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ của đồn và huy động hàng trăm ngư dân để tham gia cứu hộ. Nghiêm trọng hơn, trong năm 2012 đã xảy ra 4 vụ chìm tàu cá tại cửa biển Đà Rằng gây thiệt hại lớn cho ngư dân. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã xảy ra 2 vụ tai nạn tại cửa biển Đà Rằng. Điển hình như vụ tàu cá PY90388TS của ông Huỳnh Minh Thuận ở phường 6 bị mắc cạn lúc 13g30 ngày 30/1. Đồn biên phòng Tuy Hòa phải huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng ngư dân phường 6 tham gia cứu hộ. Và mới đây, lúc 24g ngày 4/2 khi vào cửa biển Đà Rằng, xuồng câu của anh Nguyễn Văn Bằng (22 tuổi) ở phường 6 đã bị sóng đánh chìm khiến anh Bằng mất tích.

Vùng biển Phú Yên hầu hết là bãi ngang, các bến, cảng cá được quy hoạch bên trong cửa biển và tình trạng bồi lấp các cửa biển diễn ra ngày càng phức tạp. Năm 2011 và 2012, trên sông Ba chỉ có lũ nhỏ, các đợt gió mùa đông bắc kéo dài nên cửa biển Đà Rằng thay đổi gây bồi lấp, tàu thuyền khai thác thủy sản ra vào gặp khó khăn. Theo UBND tỉnh, giải pháp tạm thời là thực hiện phương án đổi cát lấy công trình. Còn về lâu dài, tỉnh đang triển khai quy hoạch thủy lợi đến năm 2020 và quy hoạch hệ thống đê biển đến năm 2020. Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư một cảng cá tại vùng nước sâu cho nghề cá xa bờ công suất lớn ở vũng vịnh kín gió, không bị bồi lấp tại Vũng Rô hoặc vịnh Xuân Đài. Ông Hồ Đức Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: “Việc chỉnh trị cửa biển Đà Rằng, UBND TP Tuy Hòa đã có nhiều văn bản, giải pháp trình UBND tỉnh. UBND tỉnh đã giao cho Sở KH-ĐT và đang trình xin ý kiến các bộ, ngành trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thực hiện phương án đổi cát lấy công trình”.

>> Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 950 tàu có công suất trên 90CV chuyên khai thác vùng biển xa bờ, chủ yếu câu cá ngừ đại dương. Với sản lượng đánh bắt năm 2012 đạt 6.100 tấn, nghề câu cá ngừ đại dương đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry cho biết: “Từ ngày 15 18/2 (mùng 6 đến mùng 9 tết), trên địa bàn TP Tuy Hòa đã có hơn 170 tàu câu cá ngừ đại dương xuất bến”.

Anh Ngọc

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!