(TSVN) – Tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản đạt 872 triệu USD, tăng 43,3% so cùng kỳ năm 2021. Con số cho niềm tin thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỷ USD trong năm nay, đặt ra từ năm 2017 khi vượt mốc 8 tỷ USD, phấn đấu liên tục đến năm 2021 đạt 8,9 tỷ USD. Những thị trường lớn của thủy sản Việt Nam đều tăng mạnh trong tháng 1/2022 so với tháng 1/2021: Mỹ tăng 82%; EU 63,86%; Trung Quốc 62,15%; Nhật 19,25%. Theo VASEP, thị trường Trung Quốc đang mở ra nhiều kỳ vọng với sự phục hồi sau đại dịch.
Thế nhưng, chiều 20/2/2022, riêng 3 tỉnh có các cửa khẩu lớn với Trung Quốc là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai lại tồn gần 8.000 xe tải chở hàng xuất khẩu. Nhiều xe chở thủy sản đã phải quay về bán nội địa với giá giảm mạnh, như tôm hùm giảm đến 30 – 40%.
Thực trạng ách tắc hàng hóa ở các cửa khẩu với Trung Quốc đã rất bức xúc đặt ra yêu cầu về đầu tư xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản. Biên giới đất liền của nước ta với Trung Quốc có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở. Kinh tế biên mậu và khu vực cửa khẩu chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc hàng hóa vào mùa cao điểm xuất khẩu nông sản.
Từ đó, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản rộng 95,3 ha tại phường Hải Yên, TP Móng Cái. Ở đây sẽ có khu làm việc liên ngành cửa khẩu và khu nhà điều hành; Hệ thống kho khô, kho lạnh, kho ngoại quan, bến bãi hàng hóa chờ xuất, nhập khẩu. Hệ thống kinh doanh dịch vụ tổng hợp có các ki-ốt trưng bày sản phẩm kết hợp văn phòng làm việc cho doanh nghiệp, khu văn phòng ngân hàng, khu phức hợp tổ chức xúc tiến thương mại… Trung tâm này sẽ tích hợp nhiều giá trị để tạo ra sức sống mới, giúp từ bỏ tư duy xuất khẩu tiểu ngạch, tăng năng lực xuất khẩu chính ngạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành cho biết, Trung tâm xây dựng hai giai đoạn, 2022 – 2025 và 2025 – 2030. Bên cạnh nhiệm vụ chính là giúp lưu thông hàng hóa, Quảng Ninh còn kỳ vọng phát triển dịch vụ công, kiểm dịch tại chỗ…
Tỉnh Lạng Sơn có hệ thống cửa khẩu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất nước ta cũng đã phê duyệt dự án đầu tư kho bãi rộng 150 ha nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc xe tải. Trước mắt, Lạng Sơn nghiên cứu chính sách hỗ trợ lái xe ở lại dài ngày tại khu vực cửa khẩu. Về lâu dài, phát triển thành khu trung chuyển hàng hóa và tiến tới xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản cửa khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phân tích, việc xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản tại các cửa khẩu xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Tình trạnh ùn ứ xe tải chở nông, lâm, thủy sản không còn là hiện tượng nhất thời mà đã diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại hàng năm, gây ra sự cố đứt gãy chuỗi giá trị. Mọi đứt gãy chuỗi giá trị đều gây ra rủi ro lớn cho nông dân, cho ngành nông nghiệp, thủy sản. Cho nên phải tập trung giải quyết. “Nếu phát huy trọn vẹn giá trị của Trung tâm giao dịch, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đưa hàng lên cửa khẩu, trực tiếp đàm phán với doanh nghiệp Trung Quốc, còn có thể đưa hàng vào sâu nội địa Trung Quốc. Kinh tế vùng biên giới nước ta càng nhộn nhịp, phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.