(TSVN) – Đầu tháng 2, Phúc Kiến, một tỉnh ven biển tại Đông Nam Trung Quốc đã tuyên bố sẽ chi trả tiền “quản lý khai thác” cho các tàu cá đã đăng ký trong vùng. Tất cả các tàu cá đăng ký hợp pháp sẽ nhận được tiền trợ cấp tùy vào ý thức và mức độ thực hiện những giải pháp quản lý khai thác.
Phúc Kiến là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện chính sách của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đề ra vào cuối năm ngoái. Sau Phúc Kiến, tỉnh Sơn Đông cũng tuyên bố sẽ thực hiện hệ thống hỗ trợ phí quản lý tàu cá tương tự. Những động thái tích cực này nhằm hưởng ứng kêu gọi của Tổ chức thương mại quốc tế về việc chấm dứt hỗ trợ các hoạt động khai thác gây hại trên phạm vi toàn cầu.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc hỗ trợ chi phí nguyên liệu xăng dầu cho các tàu cá viễn dương, tùy theo kích cỡ tàu và thời gian đi biển từ năm 2006. Chính điều này đã thúc đẩy sự bành trướng hoạt động của các tàu cá và dẫn đến vấn nạn khai thác quá mức. Do đó, trong các năm 2016 – 2020, Trung Quốc đã phải cắt bỏ khoản trợ cấp xăng dầu, và sử dụng số tiền này để trả cho các tàu cá đã giảm lượng đánh bắt hoặc tàu cải hoán chuyển đổi nghề nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững hơn.
Giữa tháng 2/2022, Bộ nông nghiệp Trung Quốc đã đề ra mục tiêu sản lượng khai thác tại vùng biển nước ngoài (DWF) là 2,3 triệu tấn. Cùng với kiểm soát số lượng tàu cá và duy trì công suất khai thác ổn định, chính phủ Trung Quốc cũng lên kế hoạch nâng cấp giám sát các tàu cá khai thác tại vùng biển nước ngoài nhằm hướng đến sự tăng trưởng về “chất” thay vì “lượng”.
Cụ thể, chiến lược nâng cấp này bao gồm thúc đẩy việc phát triển một hệ thống giám sát tàu cá DWF toàn diện từ định vị tàu, lịch trình khai thác điện tử, đến giám sát từ xa qua video, đồng thời kiểm soát quá trình chuyển tải và theo dõi từng sản phẩm trên tàu cá.
Trong suốt những năm 2016 – 2020, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đánh giá mức độ tuân thủ các thỏa thuận khai thác quốc tế của các tàu cá viễn dương. Đồng thời đã đưa vào thực hiện quy định về thời gian đóng cửa vụ khai thác tại 2 vùng biển ngoài khơi và cử giám sát viên tới theo dõi quá trình chuyển tải.
Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc tiếp tục tăng cường khả năng điều chỉnh và nghiên cứu về hoạt động khai thác tại vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, chính phủ nước này sẽ theo dõi và phát triển chỉ số mực ống, cá ngừ Trung Quốc để giúp định hướng giá cả các loại hải sản hiệu quả hơn.
Tuấn Minh
Theo Fisnews