Hơn 20/142ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh và chết là con số báo động cho việc “đốt” lịch nuôi tôm nước lợ vụ 1 – 2013. Điều đáng nói là việc quản lý tôm giống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được siết chặt nhưng hiệu quả chưa cao.
“Đốt” lịch phổ biến
Khắp 6 vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều có tình trạng người dân “đốt” lịch nuôi tôm nước lợ. Theo thống kê, đã có đến 142ha ao tôm thả nuôi trước lịch, nhiều nhất là ở TP. Tam Kỳ (xã Tam Phú có 45ha, Tam Thăng có 15ha), kế đến là huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP.Hội An. Tại thôn Phú Đông (xã Tam Phú), hiện tượng tôm chết hàng loạt xảy ra trong những ngày qua khiến nhiều nông dân điêu đứng. Đầu tháng 2 năm nay, ông Lê Văn Dũng thả 17 vạn tôm giống trên 4 sào ao nuôi tại thôn Phú Đông. Chỉ sau 20 ngày thả nuôi, tôm thẻ chân trắng ngoắc ngoải, bỏ ăn, dạt vào bờ rồi chết trắng. “Dự đoán tình hình thời tiết năm nay ổn định, tôi liều thả tôm nuôi trước lịch mùa vụ. 15 ngày đầu thả nuôi, tôm phát triển bình thường nhưng 5 ngày gần đây ao nuôi xuất hiện hiện tượng tôm bỏ ăn” – ông Dũng nói.
Tôm nuôi trước lịch mùa vụ bị chết hàng loạt.Ảnh: Q.Việt
Theo nhiều người nuôi tôm tại xã Tam Phú, trước khi thả nuôi, việc cải tạo ao, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tôm, quản lý môi trường nước đều được chú trọng. Tuy nhiên, tôm vẫn chết hàng loạt. Việc tôm chết mà không có biểu hiện gì rõ rệt khiến các người nuôi hoang mang, lo lắng. Ông Nguyễn Ngọc Anh (thôn Phú Đông, Tam Phú) chia sẻ: “Nuôi tôm nước lợ vốn tiềm ẩn rủi ro nhưng tôm chết “sốc” như thế này là điều chưa hề xảy ra tại địa phương. Thua lỗ rồi thì phải vay mượn để đầu tư nuôi lại bù thất thoát. Không biết vụ nuôi đến có gỡ gạc được gì không. Chúng tôi rất cần sự trợ giúp để nuôi tôm an toàn”.
Thôn Tân Lập (Tam Tiến, Núi Thành) là một trong những địa điểm nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn nhất trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua. Với nguồn nước nhỉ khép kín có độ mặn vừa phải, nhiều năm qua, các hộ nuôi ở đây đã thu được lợi nhuận rất cao. Thế nhưng gần đây hiện tượng tôm chết hàng loạt cũng xảy ra. Trong số gần 15ha ao nuôi trước lịch thì có đến hơn 10ha tôm bị chết hoàn toàn. Ông Phan Thanh Hết, chủ hộ nuôi 10 sào tại thôn Tân Lập, cho biết: “Năm nào thôn chúng tôi cũng có cá nhân điển hình về thành công nuôi tôm nước lợ của huyện và của tỉnh. Ngoài nguồn nước sạch khép kín, chúng tôi cũng đầu tư rất kỳ công trong quy trình nuôi. Không hiểu vì sao năm nay tôm nuôi tại thôn lại chết hàng loạt như vậy?”.
Cảnh báo tôm giống
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, ngoài các diện tích tôm nuôi tại vùng triều bị nhiễm bệnh thì hiện tượng này cũng xảy ra đối với các diện tích thả nuôi trên cát vốn được thả nuôi quanh năm. Điều này cho thấy, tôm chết vào thời điểm hiện tại không phải do những biến động của thời tiết vốn rất thất thường vào thời điểm đầu năm. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành các xét nghiệm đối với mẫu tôm nuôi bị chết thu được để có những biện pháp xử lý phù hợp. Điều đáng báo động nhất của nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này là chất lượng con giống. Con giống không đảm bảo chất lượng thì nghề nuôi rất khó thành công, khó bền vững dù cho quy trình nuôi có tiên tiến đến mức nào. Với lực lượng hiện tại của đơn vị, chúng tôi rất khó kiểm soát hoàn toàn về nguồn tôm giống trên địa bàn tỉnh. Việc thiếu đầu tư thấu đáo trong chọn mua tôm giống của người nuôi đã vô tình tiếp tay cho việc lưu thông tôm giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trên địa bàn tỉnh”.
Nhằm tạo ổn định cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, tại hội nghị tổng kết nuôi trồng thủy sản năm 2012, nhiều ý kiến đề xuất tăng cường quản lý, kiểm soát tôm giống. Ngành nông nghiệp Quảng Nam đã thống nhất không cho mua bán tôm giống đối với nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng triều trước khi lịch mùa vụ bắt đầu. Thực tế, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã có những động thái tích cực như gửi công văn đến các tỉnh, thành có xuất bán tôm giống đến Quảng Nam, yêu cầu không chứng nhận kiểm dịch tôm giống khi xuất bán về địa bàn tỉnh trước ngày 1.3 khi lịch mùa vụ thả nuôi bắt đầu. Tuy nhiên, trước lịch mùa vụ, tôm giống từ khắp nơi vẫn được tuồn về Quảng Nam bằng nhiều con đường khác nhau, không thông qua kiểm dịch. Thực tế, 62 cơ sở kinh doanh giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh được phân bố ở Tam Thanh (TP. Tam Kỳ), Tam Hải (huyện Núi Thành) và Điện Dương (huyện Điện Bàn) vẫn ồ ạt mua bán trước ngày 1.3. Không khó để nhận ra, phần lớn những người mua tôm giống là để thả nuôi trước lịch ở các vùng triều ven sông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tôm nuôi dễ mắc bệnh và chết hàng loạt.
>> Chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi Trước việc tôm nuôi bị chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh vào những ngày gần đây, để hạn chế dịch bệnh có thể lây lan trên tôm nuôi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam yêu cầu các hộ nuôi tôm nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong vùng nuôi tôm; các quy định về phòng chống dịch bệnh. Các chủ hộ có tôm nuôi bị chết phải mua hóa chất Chlorin để xử lý với nồng độ 50ppm, đồng thời đóng kỹ cống không được xả ra môi trường bên ngoài, tránh lây lan mầm bệnh. Ngành chức năng cũng yêu cầu các địa phương có nghề nuôi tôm nước lợ tăng cường kiểm tra vùng nuôi, đặc biệt là những vùng tôm nuôi có những dấu hiệu bất thường, chết hàng loạt và kịp thời lấy mẫu gửi về Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh để tiến hành xét nghiệm và có những biện pháp xử lý kịp thời. |