Mỹ: Cấm nhập khẩu thủy sản Nga – nước Mỹ mất gì?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản và nhiều hàng hóa khác từ Nga sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 25/3. Tuy nhiên, theo Cơ quan nghề cá Mỹ (NFI), lệnh cấm này sẽ giáng một đòn rất mạnh vào ngành công nghiệp thủy sản của Mỹ.

Thị trường tê liệt

Thông tin chính quyền Mỹ sẽ cấm nhập khẩu thủy sản và nhiều hàng hóa khác từ Nga khiến ngành thủy sản của nước này dậy sóng bởi những tác động từ lệnh cấm này sẽ là những đòn giáng chí mạng vào ngành công nghiệp thủy sản của Mỹ. Trong một phiên thảo luận với Cục lương thực và dược phẩm Mỹ (FDA) tại Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ (SENA) ngày 13/3, ông Jeffrey Martinex Malo, Giám đốc Marketing tại Weston, một hãng thủy sản cao cấp tại Florida bày tỏ lo ngại lệnh cấm của ông Joe Biden lên thủy sản Nga chỉ khiến ngành thủy sản Mỹ ngấm đòn bởi hệ lụy chi phí vận tải tăng vọt, thị trường thiếu hụt sản phẩm, và giá tiêu dùng tăng cao, thậm chí nhiều nhà máy chế biến thủy sản có nguy cơ phải đóng cửa. Năm ngoái, thị trường Mỹ nhập khẩu gần 50.000 tấn thủy sản từ Nga, trị giá 1,2 tỷ USD và 25.544 tấn cá pollock từ Trung Quốc. Đáng nói, nguyên liệu để chế biến cá pollock Trung Quốc hầu hết có xuất xứ Nga. 

Lệnh cấm nhập khẩu những mặt hàng thủy sản Trung Quốc được chế biến bằng nguyên liệu của Nga nhằm đánh vào ngành khai thác thủy sản của Nga, cắt giảm lượng cá mà nước này đánh bắt và xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến sâu hơn thành cá thịt trắng (H&G) hoặc cá hồi tự nhiên. Theo NOOA, năm ngoái Mỹ đã nhập khẩu 222 triệu USD fillet cá tuyết cod đông lạnh từ Trung Quốc; 79 triệu USD fillet haddock đông lạnh; 75 triệu USD fillet cá pollock đông lạnh và 4 triệu USD cá hồi tự nhiên đông lạnh. NOOA cho biết 95% cá pollock H&G chế biến tại Trung Quốc đều do các tàu cá của Nga khai thác, chủ yếu ở vùng Viễn Đông và 50% cá tuyết cod H&G và haddock khai thác ở biển Barrents. 

Ngoài ra, Trung Quốc nhập khẩu 60% cá hồi tự nhiên từ Viễn Đông Nga. Nếu thiếu đi lượng cá từ Nga và Trung Quốc, Mỹ buộc phải tăng cường đội tàu nội địa nhưng chắc chắn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cho thị trường. Trong khi đó, nhiều nhà máy chế biến thủy sản tại Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn fillet pollock Trung Quốc vốn có giá rẻ hơn hàng Mỹ từ 200 – 400 USD/tấn. 

Không chỉ cấm thủy sản và nhiều hàng hóa khác từ Nga, chính quyền của tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố sẽ tước bỏ quy chế thương mại đặc biệt Tối huệ quốc (MFN) dành cho Nga. Hai động thái này đang làm tê liệt ngành thủy sản Mỹ. Ông Peter Quinter, một luật sư kiêm chuyên gia thương mại cho biết ông rất sốc trước quyết sách của tổng thống Mỹ, đặc biệt là việc loại bỏ Nga khỏi quy chế thương mại Tối huệ quốc, mặc dù phải thừa nhận đây là những hành động cần thiết để bày tỏ quan điểm cứng rắn của Mỹ đối với cuộc chiến Nga – Ukraine. Tuy nhiên, xét về góc độ thương mại thủy sản, lệnh cấm của Mỹ lên thủy sản Nga sẽ làm rúng động thị trường thủy sản toàn cầu. 

Thêm rào cản cho doanh nghiệp 

Ngay sau thông tin về lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nga được phát đi, Cơ quan nghề cá quốc gia Mỹ (NFI) đã gửi thông báo đến các thành viên về việc miễn trừ thủy sản Nga được chế biến tại Trung Quốc ra khỏi danh sách hàng hóa cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, các chính trị gia tại Alaska như Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan và các công ty thủy sản như Trident Seafood vẫn giữ lập trường phản đối cứng rắn, đó là cấm nhập khẩu cả những mặt hàng của Trung Quốc được chế biến bằng nguyên liệu của Nga.  

Do đó, những nhà nhập khẩu thủy sản, thậm chí không trực tiếp kinh doanh với đối tác tại Nga hay Ukraine sẽ phải tự tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại vận tải, hệ lụy ngay sau các đòn trừng phạt của Tổng thống Joe Biden nhắm vào Nga. 

Cùng với lệnh cấm dự kiến có hiệu lực vào ngàu 25/3 tới đây, FDA và Hải quan Mỹ cũng đã bắt đầu tiến hành theo dõi khâu vận chuyển hàng hóa nhập khẩu nhằm phát giác kịp thời các lô hàng chuyển tải trái phép do nhà sản xuất có thể thay đổi tuyến đường vận chuyển hàng hóa của Nga hòng lách luật vào Mỹ, ông Quinter cho biết. Do đó, Tổ chức Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA) cũng sẽ đặt ra hàng loạt yêu cầu và quy định về truy xuất nguồn gốc để tránh gian lận tàu bè, đảm bảo chắc chắn tàu nào đến từ Nga và tàu nào đến từ những địa điểm khác bởi vì tất cả những thông tin này sẽ được cung cấp cho Hải quan Mỹ, Martiner Malo cho biết. 

Nhà chức trách sẽ xem xét các công ty mới nhập khẩu, hoặc quốc gia thuộc bên thứ 3, những công ty vận tải ít chuyên chở hải sản là những điểm tiến hành điều tra đầu tiên. Trong thời gian tới, các quốc gia hay doanh nghiệp muốn vào thị trường Mỹ chắc chắn sẽ mất thêm thời gian, thậm chí cả chi phí để có thể tránh tác động của lệnh cấm của tổng thống Biden. 

Ngoài ra, FDA sẽ sử dụng DWPE (Hệ thống cảnh báo Nhập khẩu tự động giữ hàng không cần kiểm tra trực tiếp hàng hóa) để chặn đứng các lô hàng có xuất xứ Nga. Cụ thể, FDA có thể tạm dừng nhập khẩu một sản phẩm mà không cần kiểm tra lô hàng đó nếu quốc gia hay hãng vận chuyển của lô hàng này vi phạm các luật nhập khẩu hoặc bị nghi ngờ vi phạm. “FDA không kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp, nhưng chỉ cần xuất hiện một cảnh báo nhập khẩu về xuất xứ là FDA sẽ từ chối luôn lô hàng đó”, ông Quinter cho hay. Chuyên gia này cũng cảnh báo các công ty nhập khẩu cần hết sức thận trọng trước những cảnh báo của FDA trên website để tránh DWPE. 

Mi Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!