(TSVN) – Theo thống kê của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ Brazil trong năm 2021 gồm khoảng 72 triệu USD tôm hùm đá, 53 triệu USD cá hồng tươi và đông lạnh; 11,8 triệu USD cá rô phi tươi và đông lạnh, cùng các loại khác.
Apex đã hỗ trợ một gian hàng gồm 17 công ty và tập đoàn thủy sản Brazil tại Triển lãm thủy sản Boston năm nay, bao gồm những người nuôi cá rô phi và các nhà cung cấp cá hồng đánh bắt tự nhiên, cá chày đôi, tôm hùm gai và các loài đặc sản của Amazon như cá hải tượng long (Arapaima gigas) và cá da trơn cao cấp (Hypophthalmus edentatus).
Trong số các công ty đó có Bộ phận thủy sản của Bello Alimentos – Công ty sản xuất gia cầm lớn của Brazil đang nỗ lực tăng doanh số bán hàng thủy sản sang Mỹ. Ông Thais Carnevalli, đại diện bán hàng của Công ty, cho biết Bello duy trì 2 công ty con tập trung vào thủy sản là Coprimar tập trung vào đánh bắt tự nhiên và Mar & Terra chuyên về cá rô phi.
“Mar & Terra bắt đầu xuất khẩu cá rô phi đông lạnh cho khách hàng Mỹ cách đây 2 năm, tập trung vào các dạng như nguyên con, cắt nhỏ, rút ruột fillet. Mỗi tháng, chúng tôi xuất khẩu 2 container mỗi nhưng hiện đang tăng khối lượng. Sau tháng 4, 5, chúng tôi sẽ có 5 container mỗi tháng”, ông Thais thông tin.
Mỹ là thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất cá rô phi Brazil và người tiêu dùng Mỹ đang tìm kiếm loại fillet cá rô phi có trọng lượng tịnh cao hơn, không chứa nhiều nước như cá rô phi từ một số nguồn cung khác. Mar & Terra nuôi cá rô phi ở bang Mato Grosso do Sul, miền Nam Brazil.
Năm 2021, xuất khẩu cá rô phi của Brazil đạt 8.529 tấn, trị giá 18,3 triệu USD. Trong đó, sản phẩm cá rô phi nguyên con đông lạnh đạt 2.993 tấn, trị giá 6,73 triệu USD, tăng 362% về lượng và 500% về giá trị so năm 2020; fillet tươi và ướp lạnh đạt 903 tấn, trị giá 5,44 triệu USD, tăng 11% về lượng và 30% về giá trị so năm 2020; các sản phẩm phụ của cá rô phi đạt 2,927 tấn, trị giá 2,4 triệu USD, tăng 34% về lượng và 13% về giá trị; xuất khẩu fillet cá rô phi đông lạnh tăng 474% về lượng và 650% về giá trị, đạt 373 tấn, trị giá 2,19 triệu USD; xuất khẩu cá rô phi nguyên con tươi tăng 193% về lượng và 143% về giá trị, lên 17 tấn và 52.345 USD; xuất khẩu dầu cá rô phi giảm 40% về lượng và 32% về giá trị, xuống còn 1,316 tấn, trị giá 1,44 triệu USD.
Thảo Nguyên
Theo Undercurrentnews