(TSVN) – Nhằm mục đích tăng năng suất khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, đồng thời tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, tương trợ của ngư dân trên biển; thời gian qua, nhiều tổ đoàn kết trên biển của ngư dân các tỉnh, thành ven biển đã được hình thành và vận hành hiệu quả.
Là địa phương có lượng tàu đánh bắt hải sản lớn nhất của TP Đà Nẵng với 1.102 phương tiện, trong đó có gần 500 tàu hoạt động vùng khơi; năm 2021, UBND quận Sơn Trà rà soát, ra quyết định công nhận thành lập 93 tổ tàu, thuyền đoàn kết. Các tàu trong mỗi tổ cùng ngành nghề khai thác, có mối quan hệ chặt chẽ, vừa chia sẻ ngư trường, vừa hỗ trợ khi có thiên tai, biến cố trên biển. Ông Nguyễn Văn Tiến, Thuyền trưởng tàu ĐN 90758 TS, kiêm Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết Tiến Lên (P. Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, không chỉ chia sẻ về ngư trường, các ngư dân còn tương trợ cho nhau khi lao động trên biển. Các tàu cũng đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, di chuyển thế nào thì cơ quan chức năng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cũng nắm được. Ngư dân cũng tự rút ra bài học cho bản thân từ những vụ việc của các ngư dân tỉnh bạn khi vi phạm vùng biển nước ngoài…
Đội tàu cá của tỉnh Ninh Thuận vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: Nguyễn Thành
Việc hoạt động của các tổ đội khai thác thủy sản phát huy được hiệu quả cũng có sự đóng góp tích cực từ lực lượng biên phòng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân. Theo đó, các Đồn Biên phòng Sơn Trà, Phú Lộc, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, BĐBP Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân các cấp tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên nắm chắc các quy định về vùng khai thác cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến việc khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Với nhiều hình thức tuyên truyền thường xuyên, linh hoạt như: tập trung, nhỏ lẻ, lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, khu dân cư, nhà trường trên địa bàn…, kiến thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, đặc biệt ngư dân trên địa bàn khu vực biên giới biển đã có sự chuyển biến rõ rệt. Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra hoạt động thủy sản đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong tuân thủ pháp luật khi làm ăn trên biển, nhất là không xâm phạm chủ quyền vùng biển các nước khác.
Để các tàu hỗ trợ nhau khi đánh bắt trên biển, UBND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã tiến hành thành lập các Tổ hợp tác ghe tàu an toàn. Sau 5 năm xây dựng mô hình đã phát triển được gần 100 Tổ ghe tàu an toàn. Có những Tổ hợp tác đánh bắt xa bờ đang hoạt động cùng ngư dân vươn khơi bám biển rất hiệu quả. Tại phường 5 hiện có 350 ghe tàu khai thác đánh bắt hải sản xa bờ. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, để ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ đạt hiệu quả cao, tỉnh đã cho thành lập thêm nhiều mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản. Qua đó, ngành chức năng lồng ghép công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về vùng biển chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, phổ biến pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thành lập được 346 tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển với 2.453 phương tiện tàu cá và hơn 2.200 thành viên; trong đó, có 3 HTX và 1 nghiệp đoàn khai thác cá cơm. Những năm gần đây, hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của tỉnh ngày càng phát triển nên việc thành lập các tổ đoàn kết, tổ hợp tác đánh bắt hải sản trên biển đã phát huy hiệu quả trong sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, từ khi mô hình này được hình thành và phát triển, giúp ngư dân mạnh dạn hơn trong việc vươn ra những ngư trường lớn. Các ngư dân không còn hoạt động riêng lẻ mà thành lập từng tổ từ 5 – 10 tàu trở lên, sau 15 – 20 ngày đánh bắt thì thay nhau luân chuyển hải sản vào bờ. Do vậy, vừa giảm được thời gian di chuyển, giảm lượng dầu tiêu hao từ 500 – 900 lít/tàu/chuyến, lại tăng cường bám biển cho đội tàu; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác, tăng lợi nhuận từ 7 – 10%.
Hải Lý