(TSVN) – Trên thị trường tiêu thụ – nơi tôm được phân loại và đánh giá dựa trên màu sắc, vỏ của chúng. Tôm nuôi có màu sắc đẹp, đồng đều, vỏ cứng và sáng bóng khi thu hoạch sẽ mang lại giá trị cao, do đó người nuôi cần quan tâm đến việc cải thiện màu sắc cho tôm thông qua các giải pháp dinh dưỡng.
Tôm có lớp vỏ bao bọc bên ngoài cơ thể tạo thành một khung xương chắc chắn bảo vệ cho các cơ quan bên trong. Tuy nhiên, theo chu kỳ phát triển tôm sẽ lột xác theo giai đoạn. Điều mong muốn của người nuôi tôm là sau mỗi lần lột xác, tôm tăng trưởng về cả kích thước và trọng lượng. Để làm được điều đó, chúng ta cần nắm vững các kiến thức về dinh dưỡng, môi trường, cũng như các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm nuôi.
Khoáng chất rất cần cho tôm trong suốt quá trình sống và phát triển. Vì thế, tùy thuộc vào đặc điểm từng ao chúng ta cần phải bổ sung khoáng đầy đủ trước, trong và sau khi lột xác để tôm lột nhanh chóng, cứng vỏ nhanh chóng và tránh tảo tàn. Khoáng sử dụng trong nuôi tôm có 2 dạng. Một là khoáng đa lượng bao gồm các khoáng chất được cung cấp dưới dạng các hợp chất như: MgSO4, CaCl2, MgCl2 hoặc vôi, muối ăn… Loại này được sử dụng để đánh trực tiếp vào nước. Loại thứ hai là khoáng vi lượng bao gồm: Fe, Mn, Cu, Zn, I… phối trộn ở dạng bột hoặc nước dùng để trộn với thức ăn.
Nên lựa chọn các loại khoáng tinh thể, có thể dễ dàng hòa tan vào môi trường nước hoặc tốt nhất nên trộn thức ăn cho hiệu quả cao hơn. Trong giai đoạn lột xác cần bổ sung khoáng vào ban đêm từ 10 – 12 giờ, giai đoạn này ôxy sẽ tăng cao gấp đôi và sau khi lột xác tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng từ môi trường nước để tạo vỏ. Bên cạnh đó, khi thấy tôm có dấu hiệu mềm vỏ, khó lột xác thì cần tạt vôi bột xuống ao kết hợp với việc trộn khoáng vào thức ăn để khắc phục hiện tượng này.
Một số sản phẩm thương mại có sẵn trên thị trường (potassium chloride (KCl), potassium sulfate, magnesium chloride MgCl2, khoáng hỗn hợp…) để điều chỉnh sự mất cân bằng ion trong nước ao nuôi. Để tăng hiệu quả sử dụng khoáng chất trong nuôi tôm, nên tính toán để biết nồng độ ion ở độ mặn mong muốn và liều lượng sản phẩm được dùng để bổ sung ion. Sử dụng bộ test kiểm tra hàm lượng Mg/Ca hoặc máy đo. Nên lựa chọn các sản khoáng có đề cập thành phần và hàm lượng và rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong tự nhiên và trong các trang trại rộng lớn hoặc bán thâm canh, tôm hấp thụ các loài vi sinh vật chẳng hạn như các loài tảo rất giàu Carotenoid. Carotenoid là sắc tố làm cho tôm có màu đỏ cam đặc trưng. Trong số đó, Astaxanthin là sắc tố hiệu quả nhất trong việc tác động đến màu sắc của tôm. Một nghiên cứu đã chỉ ra, khi bổ sung Astaxanthin với lượng 50 ppm cho tôm, khi phân tích mô từ các nhóm thử nghiệm xác nhận rằng với những con tôm được bổ sung Astaxanthin, hàm lượng Carotenoid tăng 318%; nhóm còn lại không bổ sung Astaxanthin, chỉ dùng thức ăn thị trường thì sự gia tăng Carotenoid chỉ có 14%.
Các sắc tố có trong thức ăn hoặc đến từ nguyên liệu thô, từ các thành phần tổng hợp cụ thể hoặc các thành phần có nguồn gốc tự nhiên. Đối với các loài tôm nuôi để xuất khẩu như TTCT, tôm sú như ngày nay, giá trị thị trường của chúng phụ thuộc rất nhiều vào màu sắc cơ thể, mà tôm không thể tự tổng hợp Astaxanthin; vì vậy, trong quá trình nuôi, người ta phải bổ sung một lượng nhỏ Astaxanthin vào thức ăn, nhằm tạo ra màu sắc được người tiêu dùng ưa thích.
Để cải thiện màu sắc cho tôm có thể sử dụng một số sản phẩm sau: Bổ sung bột hoa cúc vạn thọ vào thức ăn cũng làm tăng sắc tố của tôm đang được nhiều người áp dụng. Hay, theo Tran Minh Bang và cộng sự 2015, sử dụng bí đỏ để thay thế 10% lượng thức ăn viên trong nuôi TTCT theo công nghệ Biofloc thì tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh, làm giảm giá thành thức ăn và màu sắc tôm nuôi được cải thiện. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, khi sử dụng cà rốt để thay thế thức ăn viên trong nuôi TTCT cho thấy, tỷ lệ sống của tôm nuôi tăng dần theo lượng cà rốt được thay thế và đạt cao nhất ở nghiệm thức thay thế 30% cà rốt (86,67%), khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức. Khi sử dụng cà rốt để thay thế 30% lượng thức ăn viên trong nuôi TTCT theo công nghệ Biofloc cho kết quả tốt về tỷ lệ sống, sinh khối, giảm chi phí thức ăn và đồng thời màu sắc của tôm thương phẩm được cải thiện. Theo Cruz‐Suárez và cộng sự, 2008, khi bổ sung 3,3% bột rong bún (Enteromorpha) vào khẩu phần ăn của TTCT thì tốc độ tăng trưởng nhanh, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp, màu sắc tôm đậm hơn so với không bổ sung.
Để giúp cải thiện màu sắc và dinh dưỡng của tôm nuôi, Tập đoàn Neovia Việt Nam đã bổ sung thêm 2 thành phần quan trọng là bột Krill chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, trong đó chứa 58% protein, 25% chất béo quan trọng (omega – 3 Phospholipids, docosahexaenoic acid DHA, EDA…) và cả Astaxanthin vào công thức thức ăn dành cho tôm sú với 2 dòng sản phẩm: Monolis và OC Maxi. Hai sản phẩm này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn về mặt tăng trưởng, giúp tối đa hóa lợi nhuận cho người nuôi.
Bích Hòa
Tổng hợp