(TSVN) – Theo Antara News đưa tin, Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia (KPP) đã xác định được 5 địa điểm tiềm năng mới cho các ao nuôi tôm tích hợp ở nước này. Các địa điểm mới đã được chọn nằm trong nỗ lực đạt mục tiêu sản lượng 2 triệu tấn tôm vào năm 2024.
Theo ông Haeru Rahayu, quan chức phụ trách các vấn đề biển của Indonesia: Các địa điểm mới bao gồm khu vực Sumbawa ở Tây Nusa Tenggara; Muna ở Đông Nam Sulawesi; Đông Aceh ở Aceh; Kotabaru ở Nam Kalimantan; và Nam Konawe ở Sultra.
Ông Haeru Rahayu cho biết thêm: Diện tích nuôi tôm của Indonesia hiện chỉ có 300.501 ha, bao gồm 9.055 ha nuôi thâm canh, 43.643 ha nuôi bán thâm canh và 247.803 ha nuôi truyền thống. Xét về điều kiện đất đai hiện tại, Indonesia được coi là chỉ có thể đáp ứng nhu cầu tôm khoảng 856.000 tấn, nghĩa là nước này vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu nói trên.
Ao nuôi tôm ở Indonesia. Ảnh: UNC
Ông Sakti Wahyu Trenggono, Bộ trưởng KKP cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2019, tôm chiếm vị trí thứ 2 về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường toàn cầu, sau cá hồi. Riêng sản lượng tôm của Indonesia đã đóng góp tới 6,9% vào nguồn cung toàn cầu trong giai đoạn 2015 – 2020. Năm 2019, “quốc gia vạn đảo” này chiếm tới 7,1% thị phần và là nước xuất khẩu tôm lớn thứ 5 thế giới sau Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 2020, Indonesia xuất khẩu khoảng 239.300 tấn tôm. Gần đây, Chính phủ Indonesia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới và nâng cao thu nhập xuất khẩu tôm của quốc gia lên 250% vào năm 2024, sản lượng tôm đạt 2 triệu tấn/năm. Hiện, sản lượng TTCT của Indonesia chưa tới 1 triệu tấn/năm, thấp hơn Trung Quốc, Ecuador, Việt Nam và Ấn Độ.
Bộ trưởng Trenggono nhấn mạnh: “Chúng ta phải khai thác tiềm năng thị trường toàn cầu do tôm mang lại giá trị cao cho Indonesia”, đồng thời khẳng định KKP hoàn toàn ủng hộ các chương trình quốc gia nhằm tăng cường nuôi trồng và xuất khẩu tôm.
Để đạt mục tiêu này, KPP đã đặt tìm kiếm và phát triển thêm 200.000 ha ao nuôi tôm trên khắp đất nước. Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm ở Indonesia đã phát triển nhanh chóng với các trang trại lâu đời ở Lampung, Đông Java và các khu vực nuôi mới đang được phát triển ở Sulawesi và các vùng phía Đông nước này, đặc biệt là Đông Nusa Tenggara. Các cơ sở NTTS mới này được cho là sẽ hỗ trợ sản xuất tôm và thu nhập xuất khẩu của Indonesia trong tương lai.
Tuy nhiên, ngành tôm Indonesia cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cơ sở hạ tầng vẫn cần được phát triển sâu rộng hơn để đạt được mục tiêu. Số lượng nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản thấp dẫn đến tình trạng sản xuất bột cá bị thiếu hụt. Indonesia vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu bột cá để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên, việc mở rộng ngắn hạn có thể dẫn đến thảm họa sinh thái. Nông dân NTTS của Indonesia đang phải đối mặt với các vấn đề về chất lượng nước do nạn phá rừng. Hơn nữa, để giảm sự bùng phát dịch bệnh gây thiệt hại kinh tế đáng kể, người nuôi tôm cần có các biện pháp an toàn sinh học và các quy trình vệ sinh tốt. Những điều này rất quan trọng để duy trì tôm khỏe mạnh, giảm sự bùng phát dịch bệnh trong các cơ sở NTTS và thu hoạch các sản phẩm chất lượng cao.
Phương Khang
Theo Undercurrent News, Statista