Thủy sản Nga vượt rào vào Mỹ bất chấp lệnh cấm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá tẩm bột trên đĩa ăn của người Mỹ hoàn toàn có thể làm từ nguyên liệu hải sản khai thác ở Nga, cho dù lệnh cấm đã được Mỹ thực thi từ cuối tháng 3. Nhiều doanh nghiệp thủy sản Mỹ hoài nghi, lệnh cấm này có thực sự ý nghĩa?

Mang nhãn Trung Quốc

Chính phủ Mỹ vừa thực thi lệnh cấm nhập khẩu thủy hải sản từ Nga vào cuối tháng 3 vừa qua, cùng với các mặt hàng tiêu dùng khác như rượu vodka và kim cương. Lệnh cấm này nằm trong gói trừng phạt mở rộng nhằm chống lại Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, nhiều tấn cá khai thác của Nga vẫn được tuồn vào thị trường Mỹ. Theo các chuyên gia trong ngành thủy sản Mỹ, nguyên nhân là do chuỗi cung ứng phức tạp đi qua thị trường Mỹ thường che giấu nguồn gốc xuất xứ của hải sản Nga. Trong khi đó Mỹ thiếu các công cụ truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm này. 

Bà Sally Yozell, thành viên cao cấp, kiêm Giám đốc chương trình An ninh môi trường tại Trung tâm Stimson cho biết: Khi mở một hộp cá hồi, chúng ta không biết sản phẩm này được làm từ cá hồi của Nga hay Mỹ vì chúng tôi không theo dõi loại hải sản này. Người tiêu dùng Mỹ không ủng hộ thủy sản xuất xứ của Nga được thay đổi lại nhãn mác. Dù vậy, họ cũng không thể làm gì được vì những loại hải sản này đều được ngụy trang thành sản phẩm của Trung Quốc”. 

Theo ước tính, khoảng 27% hải sản khai thác bởi các tàu cá của Nga trên hải phận nước này được xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến trước khi tái xuất vào thị trường Mỹ, theo một báo cáo năm 2021 của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC). Những sản phẩm này gồm cá minh thái được chế biến thành fillet hoặc thanh cá, hay cá hồi đóng hộp tại các nhà máy Trung Quốc. Những mặt hàng này được phân loại vào nhóm hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhờ đó có thể dễ dàng thoát được lệnh cấm. Cua đông lạnh thường được dán nhãn là cua Alaska khi xuất khẩu sang Mỹ, dù được đánh bắt ở Nga. 

Cá minh thái lách luật

Thương mại xuất nhập khẩu thủy hải sản của Nga hay Trung Quốc đều đạt giá trị lớn trong nhiều năm qua. Tính riêng thị trường Mỹ đã nhập khẩu 1,2 tỷ USD thủy hải sản từ Nga vào năm 2021, một con số kỷ lục và gần gấp 3 mức giá trị của năm 2016, theo dữ liệu của Bộ thương mại Mỹ. Trong đó, cua chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số thủy hải sản Nga xuất khẩu vào Mỹ. Theo bà Yoyell, con số thực tế có thể cao hơn nhiều nếu gồm cả hải sản Nga chế biến ở Trung Quốc. Loại cá có nhiều khả năng thoát khỏi lệnh cấm nhất là minh thái, một loại cá thịt trắng giá rẻ được sử dụng làm nguyên liệu chế biến cá tẩm bột, fillet hay cá viên chiên.

Ảnh: UNC

Người Mỹ tiêu thụ bình quân khoảng 1 pound cá minh thái vào năm 2019, khiến cho loài cá không rõ nguồn gốc này trở thành mặt hàng thủy sản phổ biến nhất tại thị trường Mỹ, chỉ đứng sau tôm, cá hồi và cá ngừ đóng hộp, theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA). Vùng biển Berring nằm giữa Alaska và Viễn Đông Nga là ngư trường khai thác cá minh thái pollock lớn nhất thế giới. Do đó, Nga và Mỹ là 2 nguồn cung chính của loại cá này. 

Theo ước tính của Hiệp hội nhà sản xuất cá minh thái Alaska chính hãng, một tổ chức đại diện cho người khai thác và chế biến cá minh thái Alaska, thì gần 40% cá minh thái được đưa vào thị trường Mỹ đều được khai thác trên vùng biển và bởi tàu cá của Nga. Theo hiệp hội này, gần như toàn bộ số cá minh thái này được chế biến thành fillet và cấp đông tại các nhà máy ở Trung Quốc trước khi xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ. Quy trình chế biến này nằm trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nên cũng được dán nhãn xuất xứ Trung Quốc. 

Lệnh cấm vô nghĩa?

Ông Chuck Hosmer, Giám đốc công ty khai thác thủy sản Romanzof tại Seattle, Mỹ cho biết các tàu thuyền của Mỹ và Nga đánh bắt cua và cá minh thái ở gần biển Bering đến mức họ chạm mặt nhau thường xuyên theo đúng nghĩa đen. Chia sẻ về các lệnh trừng phạt, ông Chuck Hosmer cũng hy vọng rằng giải pháp này sẽ giúp những công ty khai thác cá như Romanzof giảm cạnh tranh với hải sản Nga tại thị trường nội địa bởi chi phí hoạt động của tàu cá Nga thấp hơn nhiều. 

Các tổ chức môi trường và luật pháp Mỹ đề xuất giải pháp làm cho lệnh cấm nhập khẩu hiệu quả hơn, đó là mở rộng hệ thống giám sát nhập khẩu thủy sản hiện nay. Theo họ, lệnh cấm hiện nay không bao gồm các loại cá như minh thái và cá hồi, gây khó khăn cho việc truy tìm và chứng minh hàng hóa có thực sự đến từ Nga hay không. 

Để hạn chế nhập khẩu hải sản khai thác trái phép và không khai báo, NOOA đã đưa ra hệ thống giám sát riêng vào năm 2016. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ bao gồm 13 loài phổ biến như tôm, cá ngừ, cua và ít nhất 60% lượng cá nhập khẩu vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. 

“Siết chặt kiểm soát thủy hải sản Nga đến tận bàn ăn của người Mỹ là cách thể hiện quan điểm phản đối chiến tranh Nga – Ukraine của chính phủ Mỹ; đồng thời chống lại tệ nạn khai thác trái phép. Nhưng để cấm triệt để được như vậy, thì cần phải mở rộng và cải thiện các chương trình truy xuất nguồn gốc thủy hải sản và phải làm ngay bây giờ”, ông Raúl M. Grijalva, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Tài nguyên thiên nhiên Mỹ nêu quan điểm. 

Tại phiên điều trần mới đây về lệnh cấm hải sản Nga, Ủy ban của ông Raúl M. Grijalva sẽ thảo luận thêm về mở rộng chương trình giám sát, với sự hỗ trợ của một số nhà lập pháp Đảng cộng hòa.  Bà Melaina Lewis, người phát ngôn của Cơ quan nghề cá quốc gia Mỹ (NFI) cho biết nỗ lực mở rộng hệ thống giám sát thủy hải sản dưới chiêu bài trừng phạt Nga là điều vô ích. Mặc dù ủng hộ đòn trừng phạt nhắm vào Nga để phản đối chiến tranh, song NFI cũng chỉ ra những tác động tiêu cực của lệnh cấm nhập khẩu từ Nga lên nguồn cung và các doanh nghiệp thủy hải sản của Mỹ. Bà Lewis cho hay ngành thủy sản Mỹ ủng hộ hành động quyết liệt để phản đối chiến tranh, nhưng cần thông minh và có mục tiêu để tránh thiệt hại kinh tế không cần thiết với người lao động và doanh nghiệp của Mỹ. 

Tuấn Minh

Theo Undercurrentnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!