(TSVN) – Vào mùa hè, nhiệt độ cao và kéo dài trong nhiều ngày là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch bệnh trên cá rô phi. Do đó, việc chủ động quản lý tốt môi trường và phòng trị bệnh là cần thiết để hạn chế thiệt hại.
Công đoạn cải tạo ao rất quan trọng, để có được một vụ nuôi thành công, trước tiên người nuôi cần phải cải tạo ao một cách triệt để trước mỗi mùa vụ. Bón vôi định kỳ để ổn định pH, diệt tạp và các mầm bệnh trong ao.
Nước trước khi được đưa vào cần phải xử lý thông qua việc sử dụng các ao lắng, điều này giúp đảm bảo chất lượng nước và tránh những sinh vật không mong muốn xâm nhập vào ao nuôi.
Con giống chất lượng là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi. Bên cạnh các tiêu chí như lựa chọn con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, không bị xây xát hay dị tật dị hình thì việc lựa chọn giống cá rô phi đơn tính hay cá rô phi toàn đực là lựa chọn hiệu quả để nâng cao năng suất. Vì cá đực lớn nhanh và ít bị hạn chế về kích cỡ hơn so với cá cái. Thời gian nuôi ngắn góp phần làm giảm nguy cơ tiềm ẩn xảy ra dịch bệnh.
Cá rô phi giống trước khi thả nuôi cần được lấy mẫu gửi cho phòng thử nghiệm có đủ năng lực để xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh do virus Tilapia lake (TiLV).
Trong quá trình nuôi, cần bổ sung Vitamin C vào thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá, cho ăn liên tục từ 7 – 10 ngày/tháng với liều lượng 2 g/kg thức ăn/ngày. Duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,5 – 1,8 m trở lên để bảo đảm ổn định môi trường nước trong ao. Tích cực bổ sung ôxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước hoặc máy sục khí, đặc biệt là vào sáng sớm, đêm để bổ sung ôxy hòa tan, giúp giải phóng và hạn chế sự phát sinh của các khí độc. Theo dõi, điều chỉnh số lượng thức ăn cho cá vừa đủ theo từng giai đoạn phát triển, không để dư thừa gây ô nhiễm môi trường trong ao nuôi.
Quản lý chênh lệch nhiệt độ giữa tầng mặt và tầng đáy. Dùng lưới đen che mặt ao hoặc lồng hạn chế ánh nắng chiếu xuống.
Đối với ao nuôi phì dinh dưỡng, nền đáy tích tụ nhiều bùn cần định kỳ thay nước hoặc bổ sung nước mới cho ao 1 tuần/lần. Nguồn nước cấp vào ao cần phải được xử lý bằng vôi hoặc hóa chất khử trùng. Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy. Không dùng thuốc kháng sinh tùy tiện để phòng trị bệnh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi xác định rõ nguyên nhân và hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật.
Định kỳ 10 – 15 ngày/lần bón vôi để làm sạch, ổn định môi trường, phòng bệnh cho cá, lượng dùng 1 – 2 kg/100 m2.
Dự trữ ôxy cấp cứu trong kho để sử dụng trong các trường hợp cần thiết.
Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.
Vào những ngày thời tiết thay đổi khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu bất thường do thiếu ôxy thì cần bơm nước sạch vào ao hoặc dùng quạt nước, máy đánh sóng để tăng cường ôxy. Ngoài ra có thể dùng viên ôxy để tăng hàm lượng ôxy khi cần thiết, liều lượng sử dụng 1 – 2 kg/1.000 m3 nước ao (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Những ao nuôi cá đã đạt kích cỡ, trọng lượng thu hoạch cần chủ động thu tỉa để giảm mật độ nuôi hoặc thu toàn bộ vào thời điểm thích hợp.
Khi ao/lồng bị bệnh cần có biện pháp xử lý kịp thời. Tránh làm lây lan ra những loại thủy sinh khác có trong ao/lồng. Đối với ao/lồng bị bệnh, cần áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:
Loại bỏ ngay những con chết và yếu. Không vứt xác cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi bị bệnh nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý cá chết và chất thải theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Xử lý môi trường nước bằng phương pháp phun hóa chất xuống ao nuôi hoặc treo túi hóa chất đối với khu lồng – bè.
Dừng cho cá ăn 1 ngày.
Gửi mẫu xét nghiệm và làm kháng sinh đồ.
Sử dụng kháng sinh (dựa trên kết quả kháng sinh đồ), Vitamin C/chất tăng cường hệ miễn dịch (Beta – glucan) cho ăn liên tục 7 – 10 ngày.
Sau khi kết thúc dùng kháng sinh, tiếp tục cho ăn Vitamin C và sử dụng them men tiêu hóa và giải độc gan trong vòng 10 ngày.
Diệu Châu