T4, 13/04/2022 10:20

Phát huy hiệu quả việc đăng kiểm tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc thực hiện tốt công tác đăng kiểm tàu cá (ĐKTC) không chỉ giúp ngư dân bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản khi khai thác thủy sản trên biển, mà còn góp phần quan trọng nâng cao nhận thức trong thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá, hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của EC. Hoạt động này đang được các địa phương ven biển triển khai rất tích cực.

Trung tâm ĐKTC Quảng Bình (Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh) được thành lập từ năm 2016, sau một thời gian đi vào hoạt động, thực hiện Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, đến tháng 1/2020, Trung tâm được Tổng cục Thủy sản công nhận là cơ sở đủ điều kiện ĐKTC loại II, là đơn vị đầu tiên trong cả nước được công nhận. Ngoài việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các tàu cá trong tỉnh, để giải quyết nhu cầu về ĐKTC cho ngư dân ở một số tỉnh lân cận, trung tâm đã phối hợp với Chi cục Thủy sản các tỉnh, như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế để kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá hoạt động do các tỉnh chưa đủ điều kiện. Theo ghi nhận, từ thời điểm thành lập đến nay, số lượng tàu cá được Trung tâm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đạt từ 95 – 98%. Công tác đăng kiểm từ khâu thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật đến kiểm tra, giám sát, nghiệm thu kỹ thuật quá trình tàu cá được đóng mới, cải hoán, sửa chữa… bảo đảm chất lượng, tiến độ; kịp thời nghiệm thu, cấp hồ sơ đăng kiểm ngay khi tàu cá thi công hoàn thiện, tạo điều kiện cho ngư dân sớm đi vào sản xuất.

Đại diện Trung tâm ĐKTC tỉnh Quảng Bình cho biết, với tinh thần chủ động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong khu vực, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian qua, Trung tâm đã cử cán bộ có mặt tại các địa phương trong toàn quốc để thực hiện công tác ĐKTC. Nếu những năm trước, Trung tâm hoạt động trong khu vực các tỉnh lân cận như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế, thì vài năm trở lại đây đã mở rộng ra các tỉnh Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ công, bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu của ngư dân.

Theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, thiết bị GSHT được kẹp chì cố định trên tàu khi lắp đặt mới hoặc sau khi sửa chữa, song để bảo đảm thiết bị an toàn trong suốt thời gian hoạt động, Chi cục Thủy sản Quảng Bình chỉ đạo Trung tâm ĐKTC ngoài việc kiểm tra kỹ thiết bị, bảo đảm không bị xây xát, đứt dây, hỏng kẹp chì để kịp thời sửa chữa, niêm phong mới, đã lập biên bản đầy đủ để theo dõi. Những trường hợp cố tình tháo thiết bị để thực hiện các hành vi gian lận, vi phạm quy định an toàn tàu cá và xâm phạm vùng biển nước ngoài sẽ bị xử lý nghiêm. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức ngư dân, những giải pháp dù đơn giản nhưng phù hợp với thực tế nói trên đã góp phần hạn chế rất lớn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để cùng chung tay “gỡ thẻ vàng” của EC

Nhằm đơn giản các thủ tục hành chính, giúp ngư dân thuận tiện trong việc triển khai các quy định của Luật Thủy sản, từ tháng 10/2021, Trung tâm Phục vụ – Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh triển khai sáng kiến tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết đối với hai thủ tục hành chính có tần suất giao dịch lớn, là cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản. Hiện nay, tại Trung tâm, hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính về tàu cá chiếm gần 60% tổng số hồ sơ phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi. Sau 6 tháng triển khai, gần 1.400 hồ sơ được giải quyết, tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho ngư dân. Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Trung tâm Phục vụ – Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới, đơn vị phối hợp với Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến tàu cá của tỉnh khi có sự thay đổi; triển khai thêm cách thức tiếp nhận hồ sơ bằng phương thức cho phép chủ tàu cá nhắn tin đến hệ thống tổng đài của Trung tâm. 

Chủ tàu cá hoặc đại diện chủ tàu chỉ cần gọi điện thoại đến Tổng đài của Trung tâm để đăng ký nộp hồ sơ từ xa để được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản. Ngư dân cung cấp họ và tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, kích thước tàu cá, thời gian đề nghị kiểm tra, địa chỉ tàu cá đang neo đậu và địa chỉ nhận kết quả giải quyết tại nhà. Phần việc còn lại do chuyên viên của trung tâm này phối hợp các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Ngư dân Bùi Thanh Trung, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn cho biết, phương thức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cách mới này hiệu quả khi thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chủ tàu cá được nộp hồ sơ từ xa đã giảm chi phí đi lại, thời gian chuẩn bị hồ sơ, vừa loại bỏ chi phí không chính thức từ việc nhờ đối tượng làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả thay.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!