T5, 14/04/2022 12:11

Giải pháp cho chuyển đổi nghề khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dự thảo “Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái” đang được Bộ NN&PTNT xây dựng và lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương.

Đề án nhằm kiểm soát được hoạt động tàu cá trên biển, khắc phục được những tồn tại, hạn chế; gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, tạo việc làm ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển, đảm bảo an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của tổ quốc. Phát triển hoạt động khai thác thủy sản theo đúng định hướng của Nghị quyết số 36- NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Chuyển đổi nghề

Dự thảo Đề án đã đặt mục tiêu chuyển đổi một số tàu làm nghề khai thác hải sản xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái, sử dụng nhiều nguồn lực, nhiên liệu sang các nghề ít xâm hại hơn hoặc chuyển một số tàu cá sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác với khả năng phục hồi tái tạo lại nguồn lợi; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sử dụng nguồn lợi; cải thiện môi trường, điều kiện lao động nghỉ ngơi và thu nhập của ngư dân.

Dự thảo đề án đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cắt giảm tự nhiên không cấp phép đóng mới cho các tàu cá giải bản chìm đắm khoảng 7.500 tàu. Chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang làm các nghề khác cho 2.000 tàu. Chuyển đổi nghề khai thác thủy sản xâm hại sang làm các nghề ít xâm hại đến hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản cho 1.000 tàu. Tập huấn, đào tạo nghề cho 40.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.

Mục tiêu đến năm 2030, cắt giảm tự nhiên không cấp phép đóng mới cho các tàu cá giải bản chìm đắm khoảng 12.000 tàu. Song song với đó là chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang làm các nghề khác cho 2.000 tàu khai thác. Chuyển đổi nghề khai thác thủy sản xâm hại sang làm làm các nghề khác ít xâm hại cho 2.000 tàu cá. Tập huấn, đào tạo nghề cho 50.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù phù hợp với nghề chuyển đổi mới.

Cấp phép khai thác 

Một trong những giải pháp quan trọng đã được đưa ra trong Dự thảo “Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái” lần này là giảm tàu cá tự nhiên, chuyển sang lĩnh vực ngoài khai thác, theo đó tùy thuộc vào từng nhóm tàu và vùng khai thác sẽ có những giải pháp cụ thể.

Đối nhóm tàu cá có chiều dài từ 6 đến dưới 12 m: Không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bản chấp thuận cải hoán đóng mới tàu cá. Ban hành tiêu chí đặc thù của địa phương trong việc cấp giấy chấp thuận đóng mới thay thế tàu cá ven bờ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi cho người lao động; tiêu chí đặc thù về cơ cấu nghề nghiệp, không cho bổ sung các nghề xâm hại lớn như: lưới kéo, te, xiệp, lồng xếp, đăng đáy. Và xác định tỷ lệ hạn ngạch giấy phép cho tàu cá ven bờ bổ sung một cách hợp lý đến khi đội tàu về ngưỡng bằng khoảng 50% so với lượng tàu hiện có.

Đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15: Không cấp văn bản chấp thuận cho cải hoán, đóng mới, thuê, mua tàu từ nơi khác về địa phương đối với tàu làm nghề lưới kéo. Thực hiện nghiêm, không giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bản chấp thuận cải hoán đóng mới tàu cá. Ban hành tiêu chí đặc thù của địa phương trong việc cấp giấy chấp thuận đóng mới thay thế tàu cá theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi cho người lao động; tiêu chí đặc thù về cơ cấu nghề nghiệp, không cho bổ sung các nghề xâm hại lớn như: lưới kéo, te, xiệp, lồng xếp, đăng đáy. Xác định tỷ lệ hạn ngạch giấy phép cho tàu cá vùng lộng, bổ sung một cách hợp lý đến khi đội tàu về ngưỡng bằng khoảng 70% so với lượng tàu hiện có trong thời gian thực hiện Đề án.

Nhóm tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên: Sẽ không cấp văn bản chấp thuận cho cải hoán, đóng mới, tàu làm nghề lưới kéo, rê thu ngừ. Ban hành tiêu chí đặc thù của địa phương trong việc cấp giấy chấp thuận đóng mới thay thế tàu cá vùng khơi theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chí đặc thù nhằm đảm bảo an toàn, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi cho người lao động; tiêu chí đặc thù về cơ cấu nghề nghiệp, quy mô, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị khai thác bảo quản trên tàu. Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hạn ngạch giấy phép cho tàu cá vùng khơi do Trung ương phân bổ, hướng đến mục tiêu giảm đội tàu về 27.000 tàu bằng khoảng 90% so với lượng tàu hiện có trong thời gian thực hiện Đề án.

>> Dự thảo Đề án lần này đã tập trung các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết sinh kế cho người dân sau khi chuyển đổi nghề khai thác. Cụ thể, đã đặt ra 3 nhiệm vụ như: Giảm tàu cá tự nhiên, chuyển sang lĩnh vực ngoài khai thác; chuyển đổi sang các nghề khai thác khác; truyền thông.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!