(TSVN) – Cua tuyết và cua huỳnh đế của Nga đang bị thu hẹp sau lệnh cấm nhập khẩu giáp xác của châu Âu. Đây là một trong những đòn trừng phạt mới nhất mà châu lục này nhắm vào Nga để phản đối chiến tranh.
Ngày 18/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố cụ thể về lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Nga trong gói trừng phạt thứ 5. Những sản phẩm trong lệnh cấm này gồm nhiều hải sản của Nga như cá tầm, tôm, cua, cùng hóa chất và nhiều mặt hàng khác.
Theo người phát ngôn của EC, lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 9/4, tức là 3 ngày sau khi châu Âu đưa ra thông tin chi tiết về các gói trừng phạt cùng sự trì hoãn lệnh cấm nhập khẩu than đá. Nhiều nguồn tin trong ngành cho hay dù thị trường cua tuyết và huỳnh đế tại châu Âu tương đối nhỏ, song các hãng cung cấp ở vùng biển Barrent nếu quá chú trọng thị trường phương Tây sẽ không tránh khỏi tác động.
Theo Les Hodges, một chuyên gia trên thị trường cua biển cho biết, thị trường châu Âu tương đối nhỏ nên lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng lớn đến toàn ngành khai thác cua biển của Nga. Dù vậy, lệnh cấm này, cùng nhiều yếu tố khác cũng đang khiến thị trường cua huỳnh đế của Nga bị thu hẹp dần.
Biển Barent có ngành khai thác cua huỳnh đế đỏ lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Viễn Đông Nga. Ảnh: Vintagepix/Shutterstock
Theo số liệu thương mại từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Nga xuất khẩu 929 triệu USD cua huỳnh đế và cua tuyết đông lạnh sang Hà Lan vào năm ngoái, tương đương 63% tổng kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng này. Phần lớn số cua này đều được tái xuất khẩu sang Mỹ – một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Nga trước khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu mặt hàng này.
Hầu hết cua biển của Nga đều không dừng chân tại thị trường Hà Lan bởi đây chỉ là điểm trung chuyển trước khi đưa đến Mỹ để tiêu thụ, ông Svein Ruud, Giám đốc Công ty Troika Seafood, hãng cung cấp cua huỳnh đế đỏ tươi sống của Na Uy cho biết. Theo doanh nhân này, trước tình hình bị lệnh cấm bủa vây như hiện nay, các nhà cung cấp cua biển của Nga sẽ chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc. Nhưng họ sẽ phải giảm giá bán tương đối bởi Trung Quốc vốn chuộng cua Nam Mỹ cỡ nhỏ và giá rẻ hơn.
Theo số liệu của Nga, hạn ngạch cua huỳnh đế đỏ và cua tuyết opilio biển Barrent năm nay lần lượt 12.690 tấn và 15.900 tấn. Barent là khu vực có ngành khai thác cua huỳnh đế đỏ lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Viễn Đông Nga. Cua biển Barent được cấp đông trên tàu hoặc vận chuyển tươi sống đến Murmansk. Sau đó được chế biến ở Saint Petersburg và chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu.
Mỹ cũng cấm nhập khẩu thủy hải sản Nga từ ngày 11/3. Còn những lô hàng trước đó sẽ được lùi thời hạn thực hiện lệnh cấm đến ngày 23/6. Hầu hết cua huỳnh đế đông lạnh sản xuất tại Barent được xuất khẩu sang Hà Lan để giám sát chất lượng, trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Hải quan Mỹ cho biết 15.528 pound cua được đưa vào thị trường Mỹ năm ngoái bằng đường biển. Ngoài ra, còn nhiều lô hàng cua huỳnh đế đỏ từ Hà Lan sang Mỹ qua các tuyến đường của Canada.
Các hãng nhập khẩu cua biển tại Hà Lan ghi nhận thực trạng nhu cầu tiêu thụ của châu Âu với cua huỳnh đế đang thấp hơn so với thời điểm trước khi có lệnh cấm do giá cua đang tăng quá cao. Tại một số cơ sở chế biến cua ở Rotterdam, nhiều công ty đã dừng mua cua huỳnh đế Nga cách đây hơn 2 năm và chuyển sang cua Na Uy. Thị trường châu Âu gần như đã bị thu hẹp, chỉ còn lại Nam Âu.
Công ty Chakta Seafood tại Madrid của Tây Ban Nha vẫn đang nhập khẩu cua huỳnh đế Nga và bán sản phẩm dưới dạng đông lạnh hoạc đóng hộp, chủ yếu cho nhà hàng. Tuy nhiên, công ty này từ chối bình luận về tác động của lệnh cấm đến hoạt động kinh doanh.
Ông Ruud chia sẻ hầu hết doanh nghiệp đã dừng nhập khẩu cua từ Nga. Tại châu Âu, những nhà hàng cao cấp, siêu thị, chuỗi bán lẻ cũng đã dừng bán cua Nga trước khi lệnh cấm của châu Âu có hiệu lực. Điều này cho thấy, cua biển của Nga đã mất đi khá nhiều cơ hội thị trường. Ngành khai thác cua Nga sẽ điêu đứng trong năm nay và năm tới khi chưa tìm được đầu ra. Thực tế, nhiều tàu thuyền đã tạm dừng khai thác cua do không bán được hàng. Số khác cũng đang đau đầu vì quá phục thuộc tài chính vào ngân hàng nên không đủ chi phí duy trì hoạt động khai thác trong lúc thị trường gần như bị đóng băng. Lúc này, hy vọng duy nhất của cua tuyết và huỳnh đế Nga vẫn là Trung Quốc nếu thị trường này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.
Tuấn Minh
Theo Undercurrent News