Châu Á: Phân khúc thị trường cá biển giàu tiềm năng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đại dịch chưa kết thúc và tình hình còn nhiều biến động, đặc biệt với các nhà sản xuất cá biển có giá trị cao của châu Á. Nhu cầu tiêu thụ đối với các loại cá thịt trắng thay thế trên thế giới đang tăng cao. Đây sẽ là cơ hội cho phân khúc cá biển nuôi tại châu Á.

Vượt trở ngại COVID-19

Mặc dù từ giữa năm 2021, du lịch và dịch vụ ẩm thực mở cửa trở lại đã kích cầu tiêu dùng nội địa, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những thị trường truyền thống ở Đông Nam Á, cụ thể là cá vược châu Á, cá giò, cá mú và cá hồng có nên tiếp tục duy trì bán sản phẩm tươi sống giá cao và nhắm vào các thị trường trong nước, khu vực hay không. Cùng đó, vần còn nhiều hoài nghi về khả năng phục hồi của những thị trường xuất khẩu lợi nhuận cao như cá tươi sống tới Trung Quốc và Hồng Kông. Suốt 2 năm đại dịch, tàu thuyền khai thác và vận chuyển cá biển giảm hẳn; trong khi đó, nhà hàng liên tục đóng mở bất thường còn khách du lịch thì vắng bóng.

Tại Đài Loan, xu hướng nuôi các loại cá rẻ hơn như cá nhụ thay thế cá mú tăng cao. Hàn Quốc nuôi cá bơn olive để chống đỡ những tác động xuyên suốt chuỗi cung ứng; mặc dù nhu cầu cá tươi sashimi sẽ tăng, nhưng với sự phát triển chậm chạp của ngành sản xuất giống cá biển như hiện nay thì sẽ không có đủ nguồn cung cá thương phẩm cho thị trường.

Tại Indonesia, gần 90% cá mú dẹt và các loại cá mú lai được xuất khẩu tươi sống trực tiếp bởi các tàu khai thác. Trước năm 2020, nhiều quy định được đặt ra để ngăn chặn loại hình xuất khẩu này, nhưng đại dịch đã làm cho tình hình tồi tệ hơn. Tại đảo Riau, Thư ký khu vực Arif Fadillah cho biết, cá lồng trên biển sau thu hoạch sẽ xuất khẩu sang Malaysia, Singapore và Hồng Kông. Từ khi đại dịch bùng phát, xuất khẩu cá mú gián đoạn và chuyển sang thị trường nội địa. Trước đại dịch, một kg cá mú xuất khẩu 120.000 IDR/kg (8,4 USD/kg) trong khi tại nội địa chỉ còn 70 IDR/kg (4,9 USD). Trong lúc đó, giá cá giò và cá chim vẫn giữ 70.000 IDR/kg.

Năm 2019, tổng sản lượng khai thác cá biển của châu Á đạt 2,33 triệu tấn. Ảnh: Eurofish

Tại Singapore, do dại dịch nên nhập khẩu cá biển cũng bị gián đoạn. Cơ quan thực phẩm Singapore (SFA) đã đặt mục tiêu đẩy mạnh NTTS trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Công ty EcoArk của Singapore đã bắt tay nuôi cá giò, cá hồng và cá mú trân châu trong hệ thống lồng nổi RAS; Công ty Singapore Aquaculture Technologies nuôi cá trong trang trại nổi thông minh; còn Tập đoàn NTTS Apollo lại phát triển hệ thống RAS đa tầng thẳng đứng để nuôi tôm, cá mú và cá hồi.

Thúc đẩy sản xuất

Các sản phẩm cá hồi tươi sống có một vị trí vững chắc trong phân khúc thị trường thủy sản cao cấp tại châu Á. Quý III/2021, Globefish ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường cá hồi trong chuỗi dịch vụ ẩm thực tại Trung Quốc. Một làn sóng mới đang đưa cá hồi nuôi đến gần người tiêu dùng ở châu Á hơn khi Công ty RAS Samlmon ở Singapore đặt mục tiêu 1.000 tấn mỗi năm. Tháng 12/2020, Nordic Aqua Partners A/S, một công ty cá hồi Na Uy có chi nhánh tại Ningbo, tỉnh Trạm Giang tuyên bố xây dựng trại cá hồi đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2021 để sản xuất 40.000 tấn cho thị trường này. Theo FAO, giá bán lẻ cá hồi tươi tại tại Đông Nam Á duy trì mức cao 20 – 30 USD/kg vào tháng 5/2021.

Tổng sản lượng các loại cá biển năm 2019 của châu Á là 2,33 triệu tấn và một nửa số này là cá biển giá trị cao (FAO, 2021). Cụ thể, ở Trung Quốc là cá hồi; ở Nhật Bản là cá cam, cá tráp; ở Hàn Quốc là cá bơn olive, cá rockfish; ở Đài Loan là cá cobia, cá mú còn Đông Nam Á là cá giò, cá cobia, cá mú, chim, cá hồng.

Sản lượng cá biển của Trung Quốc năm 2019 đạt 1,66 triệu tấn gồm cá đù vàng (225,549 tấn, 23%); cá mú (183.127 tấn, 19%) và cá chẽm (180.173 tấn, 19%), theo Yang 2021. Ngành cá biển ghi nhận sự chuyển đổi vào năm 2021 với 250.740 tấn lươn; 180.076 tấn cá chim; 195.246 tấn cá chẽm và 500.000 tấn cá vược miệng rộng (Xu, 2021). Tại Nhật Bản, tổng sản lượng cá cam hàng đạt 100.000 tấn (Kitagama, 2021). Năm 2021, sản lượng cá giá trị cao của Đông Nam Á đạt 68.900 tấn, trong đó Việt Nam sản xuất 58.000 tấn cá biển gồm 15% cá mú, 30% cá giò và 8% cá chẽm.

Tại GOAL 2029, các ban ngành cũng đặt ra mục tiêu sản lượng cá chẽm năm 2021 là 130.000 tấn cho Australia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam. Sản lượng mục tiêu cá mú năm 2021 cho Trung Quốc, Malaysa, Thái Lan và Đài Loan là 200.000 tấn.

Thay đổi thị hiếu tiêu dùng

Tháng 9/2021, tại hội nghị trực tuyến về nuôi cá lồng trên biển, M.Anthonysamy, Infofish nhận định, thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi. Khi bị phong tỏa, kiểm dịch và phải làm việc tại nhà, họ muốn ăn uống chất lượng và ưu tiên ATTP; từ đây xuất hiện xu hướng tiêu dùng thủy sản đông lạnh và bảo quản được lâu. Anthonysamy cho biết, người tiêu dùng sẵn sàng chi 73 USD để mua 1 kg cá song da báo. Công nghệ số giúp thúc đẩy marketing, vì nhiều thế hệ người tiêu dùng trẻ thích mua hàng trực tuyến hơn ngoài siêu thị.

Zhengyoung Yang (2021) cho biết, Trung Quốc luôn duy trì các kênh phát thanh trực tiếp để thúc đẩy tiêu dùng và quảng cáo cá biển suốt đại dịch. Liên đoàn chế biến và tiếp thị thủy, hải sản Trung Quốc (CAPPMA) còn một kênh thông tin mới trên WeChat, cho phép nông dân, nhà máy chế biến và người mua chia sẻ thông tin về giá, nguồn cung.

Nhiều báo cáo ghi nhận sự mở cửa trở lại khiến tiêu thụ tăng cao ở các phân khúc nhà hàng. Đây sẽ là một điểm cộng cho các hãng sản xuất cá biển giá trị cao tại châu Á. Tuy nhiên, chính sách bình thường mới cũng “lái” người tiêu dùng đến các thị trường cá đông lạnh, chủ yếu là sản phẩm dễ nấu, dễ chế biến và ăn liền.

Tại Đài Loan, thủy sản chế biến đông lạnh hấp dẫn khách hàng bận rộn. Ở Indonesia, do chi phí sản xuất cao, nhà máy chủ yếu bán cá tươi sống và không chú ý đến phân khúc cá đông lạnh. Nhưng suốt 2 năm qua, Tập đoàn Manik Segara Indonesia duy trì hoạt động nhờ bán lẻ cá đông lạnh và fillet cá mú tại nội địa. Để giúp doanh nghiệp tích hợp chuỗi cung ứng, Tổng cục Xúc tiến cạnh tranh sản phẩm thủy sản thuộc Bộ Hàng hải và Thủy sản đã trợ giúp quản lý sau thu hoạch và chế biến hiệu quả, giảm chi phí vận chuyển và duy trì chất lượng.

>> Apimeleki Cokanasiga, chuyên gia tại Infofish cho biết, trong năm 2021, người tiêu dùng Mỹ đã tăng tiêu thụ, đặc biệt là các loại cá giá trị cao lên tới 8,3%. Tại Hồng Kông, nhập khẩu cá mú hổ đã tăng lên 120 tấn, trị giá 0,8 triệu USD suốt 3 tháng đầu năm, trong khi cả năm ngoái là 385 tấn và 2,5 triệu USD.

Đan Linh

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!