(TSVN) – Giá cua biển xanh tại Mỹ đã giảm dần sau khi tăng trong hơn một năm vừa qua. Việc giảm giá được cho là do làn sóng nhập khẩu lớn gần đây, tuy nhiên, liệu xu hướng này có tiếp tục khi mùa hè đang gần đến, thời điểm nhu cầu đối với cua biển xanh tăng trên tất cả các khu vực nước Mỹ?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Troy Turkin, Giám đốc điều hành của Supreme Crab&Seafood – một nhà nhập khẩu cua có trụ sở tại Florida, Mỹ, cho biết rất khó để nói trước điều gì. Ông tin rằng việc giảm giá từ các nhà cung cấp ở Indonesia sẽ dừng lại ít nhất trong 2 tuần tới hoặc lâu hơn.
Nhu cầu của Mỹ đối với cua biển xanh đã giảm xuống, có rất nhiều cua tươi có sẵn ở Đại Tây Dương và đồng thời, người tiêu dùng cũng đang cảnh giác với lạm phát. Theo Urner Barry báo cáo vào ngày 14/4, giá cua biển xanh vẫn cao nhưng đã giảm 5 – 8% từ mức trung bình 44,50 – 45,25 USD/pound.
Việc tăng giá bắt đầu vào khoảng tháng 7/2020 khi cua biển xanh Jumbo Lump từ Đông Nam Á có giá 21,00 – 21,50 USD/pound. Giá chạm đỉnh vào khoảng ngày 28/10/2021 khi đạt 44,50 – 44,25 USD/pound và duy trì dao động này trong gần 3 tháng tiếp theo.
Và giá tất cả các loại thịt cua dường như cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, thịt cua biển xanh Jumbo Lump từ Đông Nam Á có giá trung bình là 25,50 – 26,25 USD/pound vào ngày 14/4 vừa qua sau khi chạm mức 29,25 – 30,00 USD/pound ngày 28/10 năm trước.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), giá giảm là do lượng hàng tồn cao tăng cao sau khi tăng nhập khẩu đột biến từ tháng 10/2021. Trong tháng này, Mỹ đã nhập khẩu 3.293 tấn ghẹ xanh, cua biển xanh và cua biển đỏ, mức cao nhất kể từ đầu năm 2016. Sau đó, trong tháng 12/2021, Mỹ tiếp tục lập kỷ lục khi nhập khẩu 3.875 tấn. Khối lượng nhập khẩu cũng ở mức cao trong tháng 1 (2,819 tấn) và tháng 2/2022 (3,164 tấn).
Theo dữ liệu của NOAA, Mỹ đã nhập khẩu 30.231 tấn cua biển, trị giá 845,4 triệu USD trong năm 2021, tăng 28% về lượng và 88% về giá trị so với 23.556 tấn, trị giá 448,5 triệu USD được nhập khẩu trong năm 2020.
Philippines tăng trưởng vượt bậc
Thịt cua biển từ Indonesia đã thống lĩnh thị trường Mỹ trong năm 2021, chiếm 13.605 tấn, 45% lượng nhập khẩu và 422,6 triệu USD, 50% giá trị nhập khẩu.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Philippines đã sản xuất số lượng và giá trị lớn thứ hai cua biển xanh nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2021 với 3.569 tấn, trị giá 124,2 triệu USD. Con số này tăng 78% về khối lượng và tăng đáng kinh ngạc 177% về giá trị so với 2.001 tấn, trị giá 44,8 triệu USD trong năm 2020.
Philippines đã tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này trong năm 2022 khi xuất khẩu 358 tấn cua biển xanh, trị giá 13,7 triệu USD trong tháng 2/2022, tăng 156% về khối lượng và tăng 303% về giá trị so với 140 tấn, trị giá 3,4 triệu USD trong tháng 2/2021.
Indonesia vẫn ổn định
Dữ liệu của NOAA cho thấy Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Indonesia trong bối cảnh mức tăng đột biến hồi tháng 10/2021 với 1.507 tấn cua biển xanh, trị giá 52,1 triệu USD và giá trung bình đạt 34,54 USD/kg. Đây là tháng Mỹ nhập khẩu cua biển lớn nhất từ quốc gia này kể từ đầu năm 2016.
Tháng 2/2022, Mỹ cũng đã nhập khẩu 1.367 tấn cua biển xanh, trị giá 49,3 triệu USD từ Indonesia, tăng 63% về lượng và 149% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, dịp lễ Ramadan bắt đầu từ ngày 1/4 và kéo dài đến ngày 1/5, đồng nghĩa với việc thu hoạch và sản xuất ở Indonesia – nơi dân số 88% theo đạo Hồi sẽ giảm tốc do người nông dân nghỉ lễ để trở về với gia đình.
Ông Turkin cho biết tháng 5 sẽ là tháng tốt hơn để phân tích thị trường này vì Indonesia sẽ trở lại sau tháng lễ Ramadan và có những dấu hiệu cho thấy lượng cua được cải thiện.
Giá cua biển xanh giảm sau khi tăng giá liên tục từ tháng 7/2020. Ảnh: Shutterstock
Venezuela giàu tiềm năng
Một nguồn cung cấp thịt cua lớn khác cho Mỹ là Venezuela, nơi thu hoạch cua xanh Đại Tây Dương (Callinectes sapidus). Mỹ đã nhập khẩu 2,663 tấn cua xanh từ Venezuela, trị giá 62,3 triệu USD trong năm 2021, tăng 12% về lượng và tăng 69% về giá trị so năm 2020.
Giá cua biển xanh Venezuela tăng vọt vào đầu năm 2021, nhưng sau đó đã giảm mạnh. Theo ghi nhận ngày 14/4 vừa qua, mức giá cua xanh Venezuela trung bình từ 14,00 – 15,00 USD/pound, thấp hơn 21 – 28% so với mức giá 19,00 – 19,5 USD/pound hồi 12/1/2021.
Dữ liệu của NOAA cho thấy Mỹ chỉ nhập khẩu 18 tấn cua xanh Venezuela, trị giá 161,4 triệu USD trong tháng 9/2021; 175 tấn, trị giá 5,2 triệu USD trong tháng 10/2021 và 354 tấn, trị giá 8,5 triệu USD trong tháng 11/2021.
Tuy nhiên, trong tháng 2/2022, Mỹ đã nhập khẩu 270 tấn cua biển xanh từ Venezuela, trị giá 7,8 triệu USD.
Giá cua đỏ cũng trên đà giảm
Giá cua đỏ (Portunus haanii) cũng theo diễn biến tương tự như cua biển xanh. Ghi nhận ngày 14/4, giá đã giảm khoảng 3 – 10%, xuống mức trung bình là 26,00 – 27,00 USD/pound.
Cua đỏ Lump thì giảm ít hơn (khoảng 5%), từ mức trung bình 17,00 – 17,75 USD/pound ngày 28/10/2021 xuống còn 16,95 – 17,50 USD/pound ngày 14/4.
Ông Turkin cho biết Trung Quốc đang trong giai đoạn chậm hơn của mùa cua đỏ và các nhà cung cấp nước này muốn được trả giá cao hơn nhưng Mỹ đang có khối lượng tồn kho lớn và giá cua biển xanh thường kéo theo giá cua đỏ.
Mặc dù bị áp thuế 25% do cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn nhập khẩu 3.336 tấn cua đỏ, trị giá 59,7 triệu USD từ nước này trong năm 2021, tăng hơn 79% về khối lượng và tăng 105% về giá trị so với năm 2020.
Tuy nhiên, trong năm 2018, ngay khi chiến tranh thương mại bắt đầu, Mỹ đã nhập khẩu 4.794 tấn cua đỏ từ Trung Quốc, do vậy con số này vẫn còn thấp.
Theo dữ liệu mới nhất của NOAA, Mỹ đã nhập khẩu 459 tấn cua đỏ, trị giá 11,1 triệu USD từ Trung Quốc vào tháng 2/2022. Đây là mức cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái khi tăng 129% về lượng và 217% về giá trị. Giá trung bình 24,07 USD/kg được trả trong tháng này cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1/2019 (26,89 USD/kg) và tăng 38% so với mức 17,42 USD/kg được trả vào tháng 2/2021.
Hải Phong
Theo Undercurrent News