(TSVN) – Lisaqua đã nhận được 4,9 triệu EUR tài trợ để khởi động trang trại nuôi tôm trên đất liền đầu tiên của Pháp. Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Gabriel Boneu đã chia sẻ về hệ thống sản xuất “tác động môi trường thấp” của công ty.
Hàng năm, 80.000 tấn tôm đông lạnh được nhập khẩu vào Pháp và 290.000 tấn vào châu Âu. Công ty khởi nghiệp Pháp Lisaqua đang thực hiện sứ mệnh phá vỡ chuỗi cung ứng đã được thiết lập này bằng việc sản xuất tôm nguyên liệu “siêu tươi” tại địa phương. Công ty có kế hoạch sản xuất 10.000 tấn tôm hàng năm vào năm 2030 trên khắp nước Pháp và châu Âu.
Lisaqua được thành lập vào năm 2018. Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Gabriel Boneu cho biết công ty khởi nghiệp này nhằm mục đích cách mạng hóa NTTS với hệ thống sản xuất tác động môi trường thấp độc quyền của mình.
Ông giải thích: “Hệ thống của chúng tôi tạo ra sự phá vỡ đối với canh tác thông thường. Chúng tôi đang vượt xa các công nghệ nuôi tôm trong nhà hiện có”.
Kể từ năm 2019, công ty đã bắt đầu marketing sản phẩm tôm tươi, sản xuất tại địa phương và thân thiện với môi trường tại Pháp, sản phẩm họ tự hào là đảm bảo “3 không”: không kháng sinh, không di chuyển km và không xả thải gây ô nhiễm.
Lisaqua có kế hoạch sản xuất 10.000 tấn tôm/năm vào năm 2030 trên khắp nước Pháp và châu Âu. Ảnh: Lisaqua
Để làm được điều này, Lisaqua đã phát triển một mô hình khép kín gọi là “nuôi trồng vĩnh cửu”.
Ông Boneu cho biết: “Chúng tôi đang thiết kế các module lọc sinh học động vật không xương sống và vi sinh vật để định giá tất cả các chất thải từ bể nuôi tôm và chuyển đổi chúng thành các loài có giá trị cao. Đây là những gì chúng tôi gọi là nuôi trồng vĩnh cửu”.
So với cách nuôi tôm thông thường, Lisaqua cho biết mô hình này sử dụng ít hơn 20% thức ăn và tiết kiệm 99% nước nhờ vào hệ thống tuần hoàn. Về cơ bản, hệ thống NTTS trong nhà tuần hoàn này – nơi tôm, vi sinh vật và động vật không xương sống ở biển sinh sống – lọc và tái sử dụng cùng một nguồn nước.
“Thay vì bơm một lượng lớn nước và thải nước ô nhiễm ra môi trường, chúng tôi giữ nguyên lượng nước đó trong một thời gian dài và chỉ bù lại lượng nước bốc hơi. Điều này cho phép chúng tôi thiết lập trang trại của mình gần các thành phố lớn, vì chúng tôi không cần lối ra biển. Hệ thống cũng tận dụng công nghệ sâu. Chúng tôi đang phát triển một “cặp song sinh kỹ thuật số” cho hệ thống của mình, bao gồm cả mô hình dự báo nước”, vị CEO giải thích.
Công ty khởi nghiệp Lisaqua tự hào sản xuất 100% tôm không kháng sinh. Ông Boneu cho biết Công ty đã đạt được điều này bằng cách tránh ô nhiễm. “Mầm bệnh của tôm nằm ở vùng biển, vùng nhiệt đới. Bằng cách thiết lập trang trại tại Pháp, một khu vực an toàn đối với mầm bệnh trên tôm, chúng tôi làm giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh. Hơn nữa, trang trại hiện tại của chúng tôi nằm cách biển 50 km ở Nantes, và hệ thống của chúng tôi có thể được triển khai ở bất cứ đâu. Vì sử dụng hệ thống tuần hoàn nên lượng nước tiêu thụ rất thấp. Chúng tôi không sử dụng nước biển mà tái tạo môi trường tự nhiên từ nước sạch, sử dụng đúng muối và vi sinh vật. Điều này cho phép trang trại sử dụng nước không bị ô nhiễm và tránh các mầm bệnh”, ông nói.
Lisaqua đang hoàn thiện việc xây dựng cơ sở của mình, và đây sẽ là trang trại nuôi tôm trên đất liền đầu tiên ở Pháp. “Trang trại mới của chúng tôi sẽ cho phép sản xuất 10 tấn mỗi năm, được bán trực tiếp cho những người dân địa phương, bắt đầu sau vài tháng nữa,” ông Boneu nói.
Công ty gần đây đã huy động được 2,6 triệu EUR tài trợ từ Hợp tác xã Nông nghiệp Le Gouessant, Litto Invest và các nhà đầu tư tư nhân, để giúp đạt được mục tiêu đề ra. Khoản này đã nâng tổng vốn đầu tư lên đến 4,9 triệu EUR, sau 2,3 triệu EUR tài trợ từ Bpifrance, ngân hàng Crédit Maritime và CIC Ouest.
Bước tiếp theo, Công ty sẽ mở rộng hệ thống của Lisaqua và thiết lập mạng lưới các trang trại với công suất từ 100 – 500 tấn mỗi năm. “Khi đạt được quy mô này, chúng tôi sẽ phân phối tôm thông qua các nhà bán buôn và chuỗi siêu thị. Tuy nhiên, mỗi trang trại sẽ phục vụ thị trường địa phương và các thành phố chính trong khu vực để tôm tươi hơn, tránh vận chuyển lâu, đông lạnh hoặc sử dụng chất phụ gia”, ông Boneu thông tin.
Anh Anh
Theo Foodnavigator