(TSVN) – Với ngư trường rộng, nguồn lợi phong phú, Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng lớn về khai thác và chế biến hải sản. Trước thực trạng nhiều hạ tầng nghề cá xuống cấp, gây khó khăn trong hoạt động khai thác, neo đậu, giao thương của các ngư dân. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các cảng cá, phấn đấu quý II tổ chức khởi công xây mới cảng cá Cửa Nhượng và mở rộng cảng cá Thạch Kim.
Hà Tĩnh có chiều dài bờ biển hơn 137 km, ngư trường khai thác hải sản trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã từ Nam ra Bắc. Những năm gần đây, thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đóng tàu lớn của Nhà nước đã tạo bước đột phá cho hoạt động vươn khơi bám biển của ngư dân. Hiện toàn tỉnh có 3.695 tàu cá đã được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia; trong đó, 137 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi; 644 tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động tại vùng lộng; 2.914 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m hoạt động tại vùng biển ven bờ. Mặc dù số lượng tàu công suất lớn nội tỉnh và các tỉnh bạn tham gia khai thác trên vùng biển Hà Tĩnh khá nhiều, nhưng hạ tầng nghề cá trên địa bàn lại đang thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, tránh trú bão và giao thương buôn bán của ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Tám – một ngư dân tỉnh Quảng Nam thường xuyên cập cảng cửa Sót cho hay: Thuyền chúng tôi mỗi lần vào cập bến rất là khó khăn do luồng lạch giờ bị cát bồi lấp rất chật hẹp, mỗi lần vào thuyền phải xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ. Vì thế, các sản phẩm đánh bắt được cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng.
Những năm gần đây, việc ra vào cảng Cửa Sót gặp nhiều khó khăn do luồng lạch bị cát bồi lắng. Đặc biệt, cảng nhỏ, trong khi lượng tàu thuyền neo đậu lớn nên mùa mưa bão không ít lần các tàu bị sóng đánh va đập vào nhau dẫn đến chìm tàu, thiệt hại tài sản vô cùng lớn. Bên cạnh đó, hệ thống kho, bãi lưu giữ hàng hóa; trang thiết bị bốc xếp hàng hóa; hệ thống điện, cấp thoát nước; hệ thống xử lý nước thải; thiết bị báo tín hiệu, đèn chiếu sáng; khu dịch vụ hậu cần.. cũng đều thiếu và xuống cấp đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của bà con.
Đối với hoạt động giao thương, buôn bán hải sản, vì chưa có cầu cảng nên ngư dân nơi đây phải thuê người “tăng bo” cá, tôm lên bờ khiến chi phí gia tăng, lợi nhuận thu về giảm đi đáng kể. Việc vận chuyển thủ công này tiềm ẩn nguy hiểm cho người lao động và làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Phan Thị Cảnh (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) là một trong những thương lái đã hành nghề thu mua hải sản các loại tại cảng Cửa Sót từ mấy chục năm nay. Chị Cảnh cho biết: “Mỗi lần tàu cập cảng, chị phải thuê 3 – 4 công nhân chuyển cá, mực từ dưới tàu lên bờ để cấp đông trước khi đổ hàng cho các chợ đầu mối. Vì thế, rất tốn chi phí cũng như công lao động bỏ ra và hiệu quả không cao. Đặc biệt, việc bốc xếp thủ công này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người lao động và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Chưa có cầu cảng, người dân gặp khó khăn trong vận chuyển tôm cá lên bờ
Trước thực trạng đó, việc đồng bộ hóa hạ tầng cảng cá là xu thế tất yếu, cấp thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá, nhất là trong bối cảnh ngành thủy sản Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp gỡ “thẻ vàng” của châu Âu.
Ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Trước mắt, tỉnh đã giao cho BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT thực hiện 2 dự án xây dựng mới cảng cá Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và mở rộng cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà), với tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng. Theo quyết định phê duyệt, cảng cá Cửa Sót được xây dựng nhằm đáp ứng các tiêu chí của cảng cá cấp II. Dự án sẽ mở rộng bến tàu đáp ứng nhu cầu cập cảng cho tàu cá từ 90 CV đến 400 CV; xây dựng kè bảo vệ từ loại 1 đến loại 3; nạo vét luồng lạch; xây dựng hệ thống đường giao thông với tổng chiều dài hơn 487 m. Xây dựng hệ thống thoát nước mưa; hệ thống xử lý nước thải; các công trình vệ sinh; tường rào; hệ thống cấp điện, cấp nước… Đây là dự án đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngư dân chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề cá nhân dân; phát triển sản xuất hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào khó khăn
Còn tại xã Cẩm Nhượng, là địa phương đánh bắt hải sản truyền thống của huyện Cẩm Xuyên với hơn 245 tàu thuyền, trên 2.000 lao động trực tiếp khai thác và tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá. Thế nhưng lâu nay bà con vẫn đang phải hoạt động nghề cá trên gò Cửa Nhượng – một bãi cát tự nhiên, thường xuyên bị bồi lắng nên chỉ tàu nhỏ mới cập bến được, còn tàu lớn của địa phương thì phải di chuyển ra cảng Cửa Sót, thậm chí vào tỉnh Quảng Bình… để neo đậu, tránh trú bão. Việc thu mua hải sản trên bãi cát tự nhiên vừa làm giảm chất lượng sản phẩm sau khai thác, vừa mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lại không đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, xây dựng cảng cá Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên với tổng kinh phí 280 tỷ đồng.
“Cảng cá Cửa Nhượng, với quy mô xây dựng đáp ứng công suất tàu 400 CV, năng lực cập tàu 100 lượt/ngày; lượng thủy sản qua cảng khoảng 16.000 tấn/năm, đáp ứng tiêu chí cảng các cấp II. Các hạng mục chính được đầu tư gồm: Bến cập tàu từ 150 CV đến 400 CV; bến cập tàu dưới 150 CV; bãi tiếp nhận thủy sản diện tích 2.400 m2; nạo vét tuyến luồng vào cảng và vùng nước trước cảng; hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa; kè bảo vệ bờ. Xây dựng tuyến đê ngăn cát dài 780 m; 3 tuyến đường nội bộ trong cảng; xây dựng nhà điều hành; nhà tập kết thủy sản; nhà tập kết chất thải rắn; nhà cập bến tàu liền bờ; các hạng mục cấp điện, cấp thoát nước”, ông Bùi Tuấn Sơn cho biết thêm.
Trao đổi với ông Hà Huy Thành – Giám đốc quản lý dự án hạ tầng nghề cá, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh, được biết: Hiện tại, dự án xây dựng cảng cá Cửa Nhượng và mở rộng cảng cá Cửa Sót đang được BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ, sớm khởi công xây dựng trong quý II/2022. Ngoài các dự án đã có kế hoạch khởi công, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang xúc tiến tìm kiếm nguồn vốn để tiến hành nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội (Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân) nhằm hạn chế sự bồi lắng, đảm bảo tính ổn định của luồng vào khu neo đậu; giảm chi phí duy tu, nạo vét hàng năm. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu (Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh)”.
Tin rằng khi các dự án được đầu tư đồng bộ, nghề cá của tỉnh Hà Tĩnh sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” do Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh