COVID-19 và lạm phát gây biến động tại thị trường thủy sản châu Âu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thông tin tại Hội chợ Triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2022 ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha ngày 26/4 vừa qua, các lãnh đạo đầu ngành cho biết xu hướng thủy sản mới đã xuất hiện từ đại dịch COVID-19 và lạm phát gia tăng nhanh chóng ở châu Âu.

Theo ông Auden Lem, Phó giám đốc Bộ phận Thủy sản của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, đại dịch đã làm suy yếu thị trường thủy sản của châu Âu, và lạm phát gia tăng càng trở nên trầm trọng hơn khi Nga xâm lược Ukraine. “Tăng trưởng kinh tế có sự suy giảm tổng thể và sức mua đã giảm, cùng với đó là tiêu dùng cũng giảm do giá lương thực và thực phẩm nấu nướng đều tăng”, ông Lem nói.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Liên minh châu Âu đạt 6,2% vào tháng 2/2022, tăng từ 5,6% hồi tháng 1/2022. Một năm trước đó, tỷ lệ này là 1,3%, theo báo cáo mới nhất từ ​​Đài quan sát thị trường châu Âu về Thủy sản và Sản phẩm Nuôi trồng Thủy sản (EUMOFA). Giá thủy sản đã tăng 4,9% trong tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, việc Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2 đã khiến lạm phát tăng mạnh hơn, với các ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của EU “bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hậu quả của chiến tranh ở Ukraine” do sự gia tăng chi phí nhiên liệu hàng hải và điện dẫn đến tăng chi phí sản xuất và chế biến thủy sản.

Hội chợ Triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2022 ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 26/4 vừa qua với sự tham gia của nhiều quốc gia hàng đầu về thủy sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh: SeafoodExpo

“Sự gián đoạn tạm thời của các hoạt động đã được quan sát thấy vào đầu cuộc khủng hoảng vì tỷ lệ tàu cá EU cao ở dưới mức doanh thu hòa vốn và không đủ cho chi phí hoạt động. Giao thông vận tải và logistics (đường biển, đường bộ, đường hàng không) cũng bị tác động tiêu cực tạo ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Tình trạng thiếu nguyên liệu và đầu vào chính đang ảnh hưởng đến lĩnh vực chế biến (như dầu hướng dương) và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (như thức ăn cho cá) vì Ukraine và Nga là những nhà cung cấp hàng hóa lớn trên toàn cầu. Sự thiếu hụt các sản phẩm thay thế cũng có thể xảy ra do sự cạnh tranh từ các ngành nông sản khác và từ sản xuất năng lượng sinh học. Cú sốc nguồn cung tiêu cực này đang gia tăng áp lực lên giá, có nguy cơ làm tăng giá đến người tiêu dùng”, EUMOFA báo cáo.

EUMOFA ngoài việc dự đoán về một cú sốc nhu cầu tiêu cực do giá thủy sản tăng cao, tổ chức này cũng cảnh báo rằng kết hợp với sự gia tăng nhu cầu thủy sản của châu Âu thông qua đại dịch, thay vào đó, có thể có tác động thay thế đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu rẻ hơn.

Là một trong những thị trường thủy sản lớn nhất thế giới, ông Lem bày tỏ lo ngại xu hướng này có thể thách thức các nỗ lực của các nước đang phát triển nhằm gia tăng giá trị cho các mặt hàng chính như cá ngừ. “Các nước sản xuất đang muốn khai thác nhiều giá trị hơn từ các sản phẩm cá ngừ của họ. Tuy nhiên, nếu mọi người đều cạnh tranh về giá, thì chất lượng của sản phẩm cũng sẽ đi xuống”, ông nói.

Hiệp hội các tổ chức sản xuất thủy sản châu Âu Esben Sverdrup-Jensen đã kêu gọi “san bằng sân chơi” để bảo vệ các công ty thủy sản của EU chống lại các tiêu chuẩn thấp hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào khối, vốn nhập khẩu 2/3 lượng thủy sản mà họ tiêu thụ.

Lời kêu gọi đó đã được nhấn mạnh bởi ông Roberto Carlos Alonso Baptista de Sousa, Phó tổng thư ký của Tập đoàn công nghiệp Tây Ban Nha ANFACO CECOPESCA, người cho biết ngành công nghiệp Tây Ban Nha đang phải vật lộn để đối phó với chi phí gia tăng trong khi người tiêu dùng trở nên quan tâm hơn về giá do lạm phát, mà năm nay đạt đỉnh ở mức 10% tại Tây Ban Nha vào đầu năm 2022.

Ông De Sousa kêu gọi ngành công nghiệp thủy sản của châu Âu “đổi mới vĩnh viễn” bằng cách dựa vào một số đổi mới nhất định do đại dịch buộc phải áp dụng đối với ngành, trong số đó có “logistics hợp tác” và các hiệp lực khác. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp thủy sản xem xét việc di dời các hoạt động và địa điểm kinh doanh.

Ông cho biết ngành công nghiệp thủy sản châu Âu có trách nhiệm tận dụng các cơ hội từ sự phổ biến của thủy sản trong thời kỳ đại dịch, chẳng hạn như “cao cấp hóa” các sản phẩm nhất định khi người tiêu dùng chuyển sang mua bán lẻ thông thường. Ông cũng khuyến nghị nâng cao tiêu chuẩn ghi nhãn và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản đóng hộp và đóng gói, vốn đã đạt được một số mức tăng trưởng đáng kể nhất trong tất cả các dạng sản phẩm thủy sản trong 2 năm qua.

Tuệ Nhi

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!