Sử dụng muối trong nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Theo tôi được biết, muối có nhiều công dụng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong điều trị bệnh cho cá. Xin được tư vấn liều lượng sử dụng để đạt hiệu quả?

(Bùi Công Hòa, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)

Trả lời:

Ở một điều kiện nhất định, với nồng độ muối thích hợp có thể kiểm soát hiệu quả các sinh vật đơn bào trong mang và da cá. Tác động của muối đối với cá nước ngọt phụ thuộc vào nồng độ và thời gian tắm muối. Đối với ký sinh trùng, có thể tắm muối cho cá ở nồng độ 20 – 30 g/l (20 – 30‰) trong vòng 10 – 30 phút (hoặc cho đến khi cá bắt đầu mất thăng bằng). Nếu cá bị nhiễm nặng, có thể xử lý lặp lại trong vòng 1 – 2 ngày. Thông thường, đối với những ký sinh trùng khó trị, nên tắm 3 – 4 lần mới có tác dụng.

Đối với lồng bè: Khi nuôi cá trong lồng có thể tích nhỏ thì có thể bao xung quanh lồng bằng tấm nhựa. Sục khí để duy trì hàm lượng ôxy hòa tan thích hợp trong suốt quá trình xử lý. Có thể chọn tắm nhanh cho cá (20 – 30‰ muối trong 10 – 30 phút), hoặc tắm lâu (10 – 15‰, trong 6 – 12 giờ).

Đối với cá cảnh, cá bố mẹ: Đây là những loài cá có giá trị lớn, trước hết cần thu và di chuyển chúng đến một bể, rồi xử lý nhanh trong bể đó.

Ở những ao nhỏ: Có thể tập trung cá lại bằng lưới kéo vào một góc cuối ao, giới hạn khu vực xử lý khoảng 10% diện tích ao bằng cách đặt một tấm nhựa PVC ngay bên dưới tấm lưới. Thể tích của khu vực xử lý nên được ước lượng, lượng muối phải đạt tối thiểu 10‰, duy trì trong 8 – 12 giờ. Đồng thời, cần phải có máy sục khí và hàm lượng ôxy hòa tan được giám sát thường xuyên trong suốt quá trình xử lý. Khi xử lý xong, mở tấm nhựa và lưới để cá thoát ra ngoài, khi đó, muối được pha loãng vào ao.

Hỏi: Có thể sử dụng muối để hạn chế stress trong quá trình vận chuyển cá giống được không?Liều lượng bổ sung như thế nào?

(Nguyễn Hùng Dũng, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)

Trả lời:

Cá bột và cá giống thường chết nhiều sau khi vận chuyển do bị stress trong quá trình thao tác. Khi đó, cá thường bị các tổn thương như mất nhớt, thâm tím, thủng lỗ… và mất quá nhiều muối, khiến cá khó khăn trong việc cân bằng điều hòa áp suất thẩm thấu. Để khắc phục hiện tượng này, trước khi vận chuyển, cần chuyển cá sang môi trường nước trong nước muối có nồng độ 3 – 6‰ giúp cá cân bằng áp suất thẩm thấu. Điều này cũng có tác dụng làm cá sản sinh thêm nhớt để phản ứng lại với muối. Cùng đó, nhớt ngăn ngừa những tổn thương ở da, vây và những tác động xấu hơn, đặc biệt, ngăn chặn các nhiễm trùng cơ hội từ nấm (Saprolegnia) và vi khuẩn.

Đối với trường hợp khi vận chuyển, có thể thêm muối vào nước vận chuyển với lượng 5 – 8‰ nhằm giảm thiểu thấp nhất tình trạng stress do mất cân bằng thẩm thấu trong suốt quá trình vận chuyển.

Sau khi vận chuyển, để phục hồi sức khỏe của cá nhanh, giảm tỷ lệ chết thì nên giữ cá lại trong bể có muối 5 – 6‰. Có thể gọi là “bể phục hồi”, nơi cá được dễ dàng xử lý formalin hay thuốc tím để loại trừ ký sinh trùng bên ngoài. Thông thường, sau 4 – 5 ngày là đủ để cá hồi phục hoàn toàn, nồng độ muối trong máu khôi phục, những tổn thương được chữa khỏi và sẵn sàng vận chuyển đến các đơn vị sản xuất.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!