Hướng dẫn tạo màu nước ao nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Muốn thả cá giống để nuôi vụ mới trong ao cũ thì nên tiến hành và tạo màu như thế nào cho hợp lý?

(Phạm Thủy Nguyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội)

Trả lời:

Đối với ao cũ nên tiến hành tháo cạn nước, nạo vét bùn đáy ao nuôi để đảm bảo độ sâu của lớp bùn đáy còn từ 15 – 20 cm, dọn sạch cỏ rác xung quanh bờ ao và đáy ao, kiểm tra hệ thống cống cấp và thoát nước; tu bổ lại bờ ao không để nước rò rỉ, dùng vôi bột với liều lượng 7 – 10 kg/100 m2, rải đều khắp mặt đáy ao, bờ ao để diệt khuẩn và phơi đáy ao trong 3 – 5 ngày.

Để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá trong suốt quá trình nuôi, cần bón phân cho ao với lượng sau: Phân chuồng ủ hoai 30 – 40 kg/100 m2 ao, rải đều khắp đáy ao; phân xanh 30 – 40 kg/100 m2 ao; phân NPK 2 – 3 kg/100 m2 ao, hòa tan với nước rồi tạt đều khắp mặt ao. Đối với phân chuồng bắt buộc phải ủ hoai trước khi bón xuống ao; Đối với phân xanh nên dùng các cây họ đậu như dây lang, cây lạc… tuyệt đối không dùng các cây có tinh dầu, chất độc để bón xuống ao như:  bạch đàn, xoan…

Trong giai đoạn chuẩn bị ao nuôi cá phải lấy nước vào ao thành 2 đợt: Đợt 1 lấy đủ 50 – 60 cm nước, khi nước có màu xanh nõn chuối (sau khoảng 5 – 7 ngày) thì lấy nước đợt 2 với độ sâu phù hợp với nhu cầu từng loại cá nuôi (1,2 – 1,5 m). Khi lấy nước cần sử dụng lưới lọc, mắt lưới nhỏ nhằm hạn chế dịch hại, rác, cá tạp vào ao sẽ ảnh hưởng đến đối tượng cá nuôi.

Hỏi: Kỹ thuật chọn cá chạch lấu cho đẻ và cách thu cá bột sao cho có hiệu quả cao?

(Đỗ Hoàng Lộc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang)

Trả lời:

Chọn cá chạch lấu bố mẹ khỏe mạnh, không bị xây xát. Cá cái bụng to, mềm, quan sát bên ngoài có hình buồng trứng rõ ràng nằm dọc 2 bên lườn bụng. Dùng que thăm trứng thấy trứng có màu vàng nhạt, đường kính trứng trung bình đạt 1,96 mm. Cá đực vuốt nhẹ ở lườn bụng đến gần lỗ hậu môn, thấy có sẹ màu trắng đục chảy ra. Tỷ lệ cá đực/cá cái tham gia sinh sản 1/1 hoặc 2/1.

Ở nhiệt độ nước 28 – 300C, sau thời gian ấp khoảng 48 – 60 giờ trứng sẽ nở thành cá bột. Cá bột mới nở rời khỏi khung lưới nằm ở đáy bể, tiến hành thu cá bột chuyển sang bể ương mới. Do cá có đặc tính chui rúc trong bể ương vẫn cần giá thể để cho cá bột bám. Trong 4 ngày đầu, cá bột bám vào giá thể và sống bằng noãn hoàng. Từ ngày thứ 5, cá bột đã hết noãn hoàng, vẫn bám vào giá thể nhưng di chuyển nhanh nhẹn và tìm kiếm thức ăn bên ngoài. Lúc này chuyển sang ương giai đoạn từ cá bột lên cá giống.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!