(TSVN) – Nếu thành công, bể nuôi ấu trùng tôm hùm kiểu mới sẽ được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới nhằm nâng cao tỷ lệ sống của tôm hùm và nhiều loài giáp xác khác.
Marine-I đang hợp tác với Trại giống tôm hùm quốc gia (National Lobster Hatchery) để phát triển một thiết bị nuôi tôm hùm mới. Mô hình này còn được gọi là tàu nuôi và được kỳ vọng cải thiện tỷ lệ sống của ấu trùng tôm hùm trong các trại giống hiện nay. Sau cùng, sáng kiến này sẽ trợ giúp bảo tồn trữ lượng tôm hùm trong tự nhiên đang có nguy cơ bị cạn kiệt do khai thác quá mức. Marine-I là một chương trình của Anh có nhiệm vụ hỗ trợ ngành công nghệ đại dương tại khu vực Cornwall và quần đảo Scilly phát triển hơn thông qua khai thác toàn bộ tiềm năng của vùng đã được nhắc đến trong các nghiên cứu và cải tiến.
Quỹ phát triển khu vực châu Âu sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện dự án nuôi ấu trùng tôm hùm trong mô hình mới. Trại giống tôm hùm quốc gia là một tổ chức bảo tồn biển, nghiên cứu và đào tạo miễn phí có trụ sở ở Padstow, Anh. Hiện tổ chức này đang tập trung nghiên cứu phương pháp nuôi thương phẩm nhiều loài tôm hùm của châu Âu và đặc biệt chú trọng giai đoạn ấu trùng.
Thử nghiệm bể nuôi ấu trùng tôm hùm cải tiến tại Trại giống tôm hùm quốc gia. Ảnh: National Lobster Hatchery
Tiến sĩ Carly Daniels, thuộc Trại giống tôm hùm quốc gia cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng các bể chứa hình nón đã được cải tiến hình dáng để nuôi nhốt ấu trùng tôm hùm. Dựa trên các nghiên cứu sơ bộ, chúng tôi tự tin có khả năng tạo ra một mô hình nuôi ấu trùng tôm hùm cải tiến với các điều kiện giúp đạt tỷ lệ sống cao hơn”.
Trong tự nhiên, tỷ lệ sống của tôm hùm ở giai đoạn ấu trùng rất thấp. Trại giống tôm hùm quốc gia của Anh đang tìm kiếm phương pháp cải thiện tỷ lệ sống ngay từ giai đoạn đầu đời của vật nuôi – cũng là giai đoạn tôm hùm dễ tổn thương nhất và thả chúng về tự nhiên đến khi đã cứng cáp hơn.
Tại cơ sở nghiên cứu, tôm hùm mẹ có khả năng ôm 20.000 trứng ở bụng. Tuy nhiên, chỉ một trong số những quả trứng này sống sót trong tự nhiên. Với ứng dụng công nghệ hiện đại một cách bài bản và cẩn thận, ước tính Trại giống quốc gia có thể nâng cao tỷ lệ sống của tôm hùm lên khoảng 1.000 lần.
Khi chứng minh tôm hùm trong bể nuôi ấu trùng mới đạt tỷ lệ sống cao hơn các thiết bị đang được sử dụng hiện nay, chúng tôi sẽ tiến hành sản xuất mô hình nuôi ở quy mô rộng hơn, ông Daniels cho biết.
Marine-I đang làm việc với Trại giống tôm hùm quốc gia để phát triển mô hình mẫu phục vụ thử nghiệm. Trại giống tôm hùm quốc gia sẽ tiến hành thử nghiệm mô hình mẫu ngay trong trại giống từ lúc bắt đầu mùa ấu trùng mới vào tháng 5/2022 với sự trợ giúp từ các thành viên của Marine-I, Đại học Exeter.
Ông Ruadan Geraghty, Đại học Plymouth, một đối tác của Marine-I cho biết, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu toàn diện, sử dụng các vật liệu tốt nhất để phát triển bể nuôi ấu trùng tôm hùm cho tỷ lệ sống cao nhất. Những nguyên liệu này phải đảm bảo tiêu chí bền vững và tái sử dụng được, cũng như đủ khả năng chống chịu sự khắc nghiệt của môi trường đại dương.
Giáo sư Lars Johanning, Giám đốc dự án Marine-I cho biết sáng kiến bể nuôi ấu trùng tôm hùm kiểu mới có thể giúp giải quyết những thách thức của an ninh lương thực toàn cầu cho các thế hệ tương lai, đồng thời củng cố nền kinh tế địa phương. Nếu thành công, bể nuôi ấu trùng tôm hùm sẽ được ứng dụng sang các đối tượng nuôi khác như cua và các loại tôm hùm khác.
Dũng Nguyên
Theo Aquaculture
Chú thích ảnh: