(TSVN) – Lattice Aqua và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) sẽ tập trung vào việc cải thiện năng suất, lợi nhuận và tính bền vững của các trang trại cá rô phi ở Kenya.
Nuôi trồng thủy sản và việc chuyển đổi nghề nuôi cá thành các ngành kinh doanh hiệu quả có thể thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng kinh tế. Tại Kenya, việc xây dựng cách tiếp cận có hệ thống mục đích nhằm nuôi cá rô phi bền vững và hiệu quả hơn về mặt tài chính, không chỉ mang lại giá trị đáng kể cho ngành mà còn cho những người nuôi.
Hợp tác giữa Lattice Aqua và IDH sẽ hướng tới những cải tiến sản xuất bền vững trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Kenya. Đây là một phần trong tham vọng của IDH tại châu Phi nhằm thiết lập mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết nhu cầu và sự thiếu hụt lương thực trong nước, tạo việc làm và tăng thương mại hàng hóa thực phẩm trong nội bộ châu Phi, đồng thời bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia nuôi trồng thủy sản đang xây dựng một phương pháp canh tác có hệ thống và bền vững. Ảnh: East Africa Monitor
Thị trường trong nước và khu vực châu Phi ngày càng phát triển, nhu cầu đối với cá và các sản phẩm thủy sản ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số và suy giảm nguồn cung thủy sản biển đã dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, hầu hết các nước châu Phi phụ thuộc vào nhập khẩu cá, mặc dù có rất nhiều cơ hội để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trong nước.
Ở Kenya, điều kiện nuôi trồng các loài cá nhiệt đới là tối ưu (do nhiệt độ cao và các điều kiện địa phương khác), nhưng nuôi lồng và ao kém, thiếu khả năng tiếp cận với thức ăn, con giống chất lượng cao, đồng thời năng lực tài chính và chuyên môn quản lý yếu dẫn đến việc các trang trại nuôi cá thất bại, kém hiệu quả và không có lãi.
Việc hợp tác với Lattice Aqua sẽ giúp cải thiện thu nhập của người nuôi cá, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, vừa và nông dân tiếp cận thị trường, tạo cơ hội việc làm, đồng thời đảm bảo sự hòa nhập của giới. Hợp tác dựa trên các hoạt động trước đó đã xác minh ảnh hưởng tích cực của cách tiếp cận theo hướng dữ liệu và được thực hiện thông qua cách tiếp cận hệ sinh thái tích hợp. Hệ sinh thái này bao gồm nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất ở Kenya (Tunga Feed), các trang trại giống lớn nhất (Doanh nghiệp Jewlet và trang trại cá Kamuthanga), đơn vị đầu mối trên thị trường (Aqua Rech), hỗ trợ kỹ thuật từ Học viện Nuôi trồng Thủy sản và các tổ chức tài chính (Ngân hàng Faulu Microfinance và Juhudi Kilimo).
Thông qua sự hợp tác, nuôi cá rô phi Kenya sẽ trở thành một ngành kinh doanh bền vững và có lợi nhuận, mang lại sinh kế và thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế trong toàn ngành.
Bà Julie Muyela, Trưởng khu vực của Lattice Aqua cho biết: “Sự thành công của nghề nuôi cá phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính như: Thực hành quản lý, thức ăn, con giống, kênh bán hàng và thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, trước khi xác định các yếu tố này, người nuôi nên xác định loại hình hệ thống nuôi để đầu tư. Quyết định này là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại của trang trại”.
Nam Hồng
Theo Thefishsite