(TSVN) – Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi và Bộ NN&PTNT đã gửi hồ sơ đề nghị cung cấp giấy phép xuất khẩu cho 25 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, trong đó bao gồm mặt hàng cá ngừ. Nếu được thông qua, Việt Nam đặt kỳ vọng xuất khẩu cá ngừ sẽ có sự bước phát triển đột phá.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Ả Rập Saudi đạt mức 10 triệu USD, chiếm 4% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong 3 tháng đầu năm 2022.
Quốc gia này chủ yếu nhập khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam, chiếm tới 99% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng cá ngừ sang thị trường này.
Lion cá ngừ. Ảnh: Nghi Sơn Food
Trước đó, lô hàng cá ngừ đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Arab Saudi vào tháng 7/2021. Sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng từ 85.000 USD trong tháng 7/2021 lên gần 5 triệu USD trong tháng 3/2022.
Đây vẫn là thị trường còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Riêng trong năm 2020, đây là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 12 trên thế giới về giá trị.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Saudi cho biết, mặc dù thị trường này còn nhiều tiềm năng để khai thác, tuy nhiên vẫn còn một số rào cản doanh nghiệp cần lưu ý. Đầu tiên là chi phí vận tải từ Việt Nam sang quốc gia này tăng cao là khó khăn lớn nhất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định nhãn mác đóng gói khi xuất khẩu hàng hóa sang Ả Rập Saudi. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Saudi (SFDA) ban hành và quy định các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, phạt tiền, thậm chí phạt tù, tất cả hàng vi phạm đều bị tiêu hủy…
VASEP cũng cho biết, xuất khẩu cá ngừ trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới. Tuy nhiên, xuất khẩu đang phải đối mặt với thiếu nguyên liệu, giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao, cước vận chuyển đường biển tăng… Do đó, dù tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các doanh nghiệp vẫn còn ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên sự phục hồi này mới chỉ ở bước đầu.
An Nhiên