(TSVN) – Ngày 29/4/2022, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có Công văn số 55/HNC-PTTSBV gửi Bộ NN&PTNT về việc góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi các Thông tư về kiểm dịch thủy sản.
Theo đó, phúc đáp công văn số 2177/BNN-TY ngày 12/4/2022 của Bộ NN&PTNT về việc tham gia ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), sau khi tổng hợp ý kiến của các hội viên, Hội nghề cá Việt Nam đã có một số góp ý.
Về việc bãi bỏ Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT (tại Điều 2 của Dự thảo): Để tránh quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư 36/2016/TT-BNNPTNT tái lập lại vướng mắc trước đây, gây tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp, đề nghị:
– Hủy bỏ Điều 2 của dự thảo, giữ nguyên quy định của Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT.
– Bổ sung thêm vào dự thảo quy định về danh mục các hồ sơ cần thiết mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan thú y theo mỗi loại hình nhập khẩu khác nhau (loại hình nhập khẩu từ các cơ sở chế biến ở nước ngoài; loại hình nhập khẩu trực tiếp từ các tàu cập cảng Việt Nam; loại hình nhập khẩu gián tiếp từ các tàu đánh bắt…); để phục vụ hoạt động kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác trong trường hợp lô hàng thuộc diện miễn kiểm dịch.
Bổ sung quy định làm thủ tục kiểm dịch đối với hàng thủy sản nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, Giấy chứng nhận xuất khẩu, nhưng chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa. Đề nghị: Bổ sung vào dự thảo một nội dung để quy định cho phép trong trường hợp này, cơ quan Thú y sẽ làm thủ tục kiểm dịch các sản phẩm đó như đối với hàng nhập khẩu để tiêu thụ nội địa và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan Hải quan.
Về việc kiểm soát hồ sơ nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu theo các quy định về IUU: Do các hồ sơ lô hàng thủy sản nhập khẩu có nhiều loại khác nhau đối với từng loại hình nhập khẩu, để rõ ràng, minh bạch thông tin và thuận tiện cho việc thực thi của các bên theo các quy định về IUU; đề nghị bổ sung vào Dự thảo Danh mục các hồ sơ cần thiết mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan Thú y theo mỗi loại hình nhập khẩu khác nhau (loại hình nhập khẩu từ các cơ sở chế biến ở nước ngoài, loại hình nhập khẩu trực tiếp từ các tàu cập cảng Việt Nam, loại hình nhập khẩu gián tiếp từ các tàu đánh bắt…).
Sản phẩm thủy sản ở dạng đông lạnh dùng làm thực phẩm và dầu cá vẫn phải thực hiện kiểm dịch: Đề nghị: Sửa đổi Khoản 6 điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung mục II phần A Phụ lục I Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, trong đó bỏ đối tượng sản phẩm thủy sản đông lạnh và dầu cá ra khỏi “Danh mục sản phẩm động vật thủy sản phải kiểm dịch”; đồng thời giữ nguyên quy định đối tượng “Sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay” trong “Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch” như quy định tại Khoản 12 Điều 1 của Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT.
Tần suất lấy mẫu, số lượng mẫu kiểm dịch (tại Mục 6 Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Điểm 2 Mục I Phần B Phụ lục IV của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT): Đề nghị: sửa đổi lại tần suất lấy mẫu, số lượng mẫu kiểm dịch theo hướng phân chia theo nguy cơ của sản phẩm, lịch sử tuân thủ của nhà cung cấp dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên và công nhận lẫn nhau với các quốc gia khác theo đúng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Các chỉ tiêu của chương trình giám sát sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu; hàng bị triệu hồi hoặc trả về (nêu tại Mục 6 Điều 1 của dự thảo sửa đổi Mục II Phần B Phụ lục IV của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT): Đề nghị: sửa đổi các chỉ tiêu giám sát theo đúng các chỉ tiêu kiểm tra của từng nhóm sản phẩm đã được quy định tại Mục 1 Phần A Phụ lục IV Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT về chỉ tiêu xét nghiệm đối với động vật thủy sản và Điểm 1 mục I Phần B Phụ lục IV Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT về chỉ tiêu xét nghiệm đối với sản phẩm động vật thủy sản.
Về việc thực hiện các thủ tục kiểm dịch vẫn phải vừa phải làm online, vừa phải làm offline: Chỉnh sửa lại dự thảo theo hướng cho phép doanh nghiệp được hoàn tất các thủ tục nộp hồ sơ kiểm dịch hoàn toàn trên các kênh online, không phải nộp hồ sơ giấy để tiết giảm thời gian, chi phí thực hiện cho doanh nghiệp.
Vân Anh