(TSVN) – Đó là nội dung được nhấn mạnh tại Lễ ra mắt Mạng lưới các doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, ngày 6/5/2022 tại Cần Thơ.
Đây là mạng lưới doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu đầu tiên trong cả nước, bước đầu có 39 doanh nghiệp, do Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ và Quỹ Châu Á (TAF) thành lập. Mục tiêu liên kết doanh nghiệp để chủ động giảm các nguy cơ, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tận dụng các cơ hội phát triển.
Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho biết: “Mạng lưới sẽ là nơi đưa ra sáng kiến, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau mở rộng các hoạt động có hiệu quả và tham mưu chính sách hợp lý”. Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, Michael R. Digregorio bày tỏ, các doanh nghiệp và hoạt động nuôi thủy sản không chỉ chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu mà còn là tác nhân góp phần dẫn tới nhiều vấn đề về môi trường, nên chủ động thích ứng cũng như chủ động làm giảm các vấn đề của biến đổi khí hậu, mở ra nhiều cơ hội mới.
Ông Đinh Diệp Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu những cơ hội qua một công trình nghiên cứu. Đó là, thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất kinh doanh dịch vụ; tạo ra sản phẩm mới; phát triển thị trường mới; xây dựng thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp thủy sản hành động thân thiện với môi trường đã có sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Chủ tịch HĐQT Mỹ Lan Group ở tỉnh Trà Vinh, TS Nguyễn Thanh Mỹ nhấn mạnh thêm định hướng phát triển “thuận thiên” đã tạo cơ hội lớn cho ngành thủy sản. Chẳng hạn, Quyết định số 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD. Năm 2021 xuất khẩu mới đạt gần 4 tỷ USD, như thế dư địa của ngành tôm còn rất lớn. Bây giờ nước mặn tới đâu có thể nuôi tôm tới đó, thực sự là cơ hội phát triển.
Thực tế ở tỉnh Cà Mau, địa phương chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, ngày 28/4/2022, tôm sú Cà Mau có chỉ dẫn địa lý sản phẩm đã góp thêm một ví dụ sinh động. Cục Sở hữu Trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm sú Cà Mau cho Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau là đơn vị quản lý. Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước với hơn 280.000 ha, trong đó, nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn khoảng 80.000 ha, tôm – lúa khoảng 50.000 ha. Tôm sú Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, GlobalGAP, được thị trường trong nước và 60 thị trường ngoài nước ưa chuộng.
Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm sú Cà Mau cho 3 doanh nghiệp: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau. Nhiều người có mặt tại buổi lễ bày tỏ, tôm sú Cà Mau khi được quản lý phù hợp, kết nối với người tiêu dùng hiệu quả hơn sẽ là một sản phẩm chủ lực của tỉnh Cà Mau ngày càng nổi bật trên thị trường, đưa lại giàu có, dù biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.