T2, 06/07/2020 10:18

Bình Thuận: Nâng cao hiệu quả đánh bắt theo tổ, nhóm

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn ra bất lợi không chỉ ảnh hưởng nông nghiệp mà còn gây tác động sâu sắc đến ngư trường biển; trong bối cảnh xăng dầu cứ ngấp nghé đòi tăng, nguồn lợi biển ngày một cạn kiệt, PV Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận về việc nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản năm 2013.

Mặt được và chưa được trong khai thác, đánh bắt hải sản năm vừa qua?

 

Ảnh: N.L

Tình hình thời tiết và ngư trường Bình Thuận năm 2012 không thuận lợi cho tất cả các nghề hoạt động khai thác hải sản. Đầu năm 2012 tuy cá cơm có xuất hiện nhiều nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nên sản lượng đánh bắt không đáng kể. Mặt khác ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt, các nghề khai thác phát triển không đồng đều, trong đó nghề giã cào bay phát triển mạnh nhưng khai thác sai tuyến ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nguồn lợi, do chủ yếu khai thác vùng bờ, đối tượng đánh bắt chủ yếu là cá nổi nên tác động xấu đến số tàu thuyền làm nghề khai thác cá nổi như mành chà, mành đàn, vây rút chì, lưới rê… Nguồn lợi đặc sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã đến lúc báo động, hầu hết các loài nhuyễn thể có nguy cơ tuyệt chủng tại Bình Thuận. Tuy nhiên nhờ tăng lượng thuyền công suất lớn đóng mới, mở rộng nghề khai thác, bám biển dài ngày, nên sản lượng đánh bắt hải sản năm 2012 được 185.029 tấn đạt 104,6% kế hoạch, tăng 1,76% so năm 2011. Tuy vậy sản lượng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao chỉ chiếm 30%, điều này đã ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân.

Làm gì để nâng cao hiệu quả đánh bắt năm 2013?

Bước vào đầu năm, ngư trường có dấu hiệu tốt, các loại cá nổi như nục, cơm xuất hiện nhiều, nhưng thời tiết lại bất lợi như đã có áp thấp nhiệt đới, gió mạnh nên ảnh hưởng rất lớn trong khai thác, nhiều tàu ra khơi đánh bắt xa bờ đầu năm đều không đạt hiệu quả. Một thực tế phải nhìn nhận nguồn lợi trên ngư trường Bình Thuận hiện nay ngày một giảm sút, một số nghề khai thác không đi đôi với tái tạo và phát triển nguồn lợi; vùng khai thác dầu khí tăng lên nên ngư trường bị thu hẹp; số lượng tàu thuyền tăng nhanh, mặt khác số tàu công suất nhỏ giảm không đáng kể nên hiệu quả khai thác sẽ bị ảnh hưởng.

Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, kinh nghiệm năm 2012 cho thấy ngư dân cần vào tổ, nhóm đoàn kết để cùng nhau đánh bắt. Theo đánh giá bước đầu của chi cục, nếu đánh bắt theo tổ, nhóm sẽ tăng hiệu quả chuyến biển từ 45 đến 50%, đã có nhiều tổ, nhóm ở Đức Long (Phan Thiết), La Gi hoạt động theo mô hình này rất hiệu quả. Tổ, nhóm đoàn kết ở đây là theo hộ gia đình, bổn đạo, đồng hương, làng xóm và cùng ngành nghề. Không chỉ nâng cao hiệu quả đánh bắt mà còn tiết kiệm chi phí, bảo quản sản phẩm tốt và nhất là bảo đảm an toàn trên biển. Tuy nhiên hoạt động đánh bắt theo tổ, nhóm đạt hiệu quả chưa nhiều, nhiều tổ, nhóm hình thành theo dạng “đánh trống, ghi tên”. Với thời tiết ngày càng bất lợi, nguồn lợi suy kiệt, thì việc đoàn kết cùng ra biển đánh bắt là hướng mở, để nâng cao hiệu quả đánh bắt trong năm nay cũng như những năm sau này.

Xin cảm ơn ông!

Phan Văn (Thực hiện)

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!