(TSVN) – Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua và sự tăng giá đến chóng mặt của nhiên vật liệu hiện nay đã làm cho ngư dân nhiều địa phương đối mặt với không ít các thách thức. Hơn khi nào hết ngư dân rất cần những hỗ trợ từ từ các cấp, ngành để có thể yên tâm vươn khơi khai thác.
Một ngư dân tại thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, chủ tàu cá 400 CV hành nghề lưới rút cho biết, trước đây vươn khơi đánh bắt, mỗi ngày đêm chỉ tiêu tốn khoảng 7 triệu đồng tiền dầu, nay phải mất 10 triệu đồng. Nếu đánh bắt ở vùng biển đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) phải mất cả tuần và chi phí còn cao hơn nhiều. Xăng dầu tăng còn kéo theo một số mặt hàng như nước đá, gas nấu, thực phẩm… tăng theo. Đơn cử như việc thuê xe ba gác máy vận chuyển lưới lên bờ, trước đây giá chỉ 150.000 đồng/chuyến, giờ lên 200.000 đồng/chuyến. Gần đây ngư dân chủ yếu đánh bắt cá nổi gần bờ như cá cơm, cá nục, cá chỉ. Cá cơm được mùa nhưng giá không lên, chỉ cần hơi “dày” cá (được mùa), cá cơm lại giảm giá từ 250.000 đồng/giỏ xuống còn dưới 200.000 đồng/giỏ, trừ đi chi phí thì không lãi bao nhiêu. Còn theo chủ tàu 580 CV hành nghề pha xúc, trước đây, tàu ghe đi một đêm chỉ tốn từ 3 – 4 triệu đồng tiền dầu. Nay cũng thời gian đó mà phải tốn khoảng 13 triệu đồng tiền dầu, đó là chưa nói đến chi phí khác như nước đá, thực phẩm, gas… nhưng giá cá lại có chiều hướng ngày càng giảm.
Ngư dân Ngô Ri, ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chủ tàu cá QNa 91559 TS, công suất 825 CV cho hay, thời điểm này, ngư dân gặp khó khăn là do giá xăng dầu tăng cao liên tục, kéo theo chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Trong khi đó, ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt nên tàu đi biển nhiều ngày hơn và xa hơn, dẫn đến chi phí xăng dầu cũng tăng lên. Trước đây, bình thường mỗi chuyến biển, ông Ri thu về hơn 200 triệu đồng, sau khi thanh toán các khoản chi phí, các bạn thuyền có từ 7 – 15 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Nhưng với mức chi phí tăng cao như hiện nay, mỗi chuyến biển dự kiến sẽ lỗ từ 20 – 50 triệu đồng hoặc hòa vốn. Do đó, rất khó để ngư dân tiếp tục vươn khơi, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo.
Ngư dân nhiều địa phương đang “tiến thoái lưỡng nan” trước tình trạng giá nhiên liệu ngày một leo thang. Ảnh: Hoàng Vinh
Theo phản ánh của ngư dân tỉnh Hà Tĩnh, giá dầu diesel liên tiếp tăng khiến ngư dân gặp khó trong ra khơi, bám biển sản xuất. Từ khoảng 13.000 đồng/lít (tháng 1/2021), sau nhiều lần tăng, đến nay, giá dầu đã lên gần 26.000 đồng/lít… Giá dầu tăng gấp đôi kéo theo chi phí mỗi chuyến biển tăng cao, khiến thu nhập của cả chủ tàu lẫn thuyền viên bị giảm sút (thậm chí bị lỗ), đời sống của ngư dân thêm khó khăn, nhiều lao động không mặn mà bám biển. Đại diện Ban Quản lý Các cảng cá Hà Tĩnh cũng thông tin, do giá xăng dầu lên cao, trong khi giá hải sản không tăng, hiệu quả sản xuất thấp nên bức tranh ở cảng cá Cửa Sót và Xuân Hội không còn sôi động như trước. Ngoài đội tàu nội tỉnh hoạt động cầm chừng thì một số tàu xa bờ ngoại tỉnh sau đánh bắt không cập cảng mà về quê neo đậu để giảm chi phí. Vì vậy, từ đầu tháng 5 đến nay, lượng tàu thuyền vào 2 cảng này neo đậu chỉ gần 1.600 lượt, lượng hải sản bốc dỡ và tiêu thụ đạt khoảng 800 tấn, giảm khoảng 30% so với những tháng giá dầu dao động từ 17.000 – 20.000 đồng/lít; trong đó, giảm rõ rệt nhất là các tàu và hải sản về từ vùng khơi.
Ngư dân Đinh Trọng Chương ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho hay, trước đây vào ngày 18 âm lịch, tàu cá nối nhau ra khơi sau những ngày nghỉ trăng, thì nay vì sợ lỗ nên chưa mấy ai đi. Chuyến biển đầu tháng 6 vừa rồi, tàu của ông chỉ đánh bắt được hơn 5 tấn cá, mực các loại, trị giá gần 150 triệu đồng, trừ chi phí dầu, đá lạnh… bị lỗ vốn hàng chục triệu đồng. Còn ngư dân Nguyễn Công Lưu cùng xã Tiến Thủy cho biết, tàu cá ông thuê có công suất 730 CV, đánh bắt vùng biển xa bằng nghề lưới chụp, sử dụng 300 bóng đèn công suất 1.000W/bóng, nên ngoài chi phí dầu chạy máy chính, còn phải chi thêm dầu để chạy máy phát điện 1.000 lít/đêm. Do vậy, mỗi chuyến biển kéo dài 12 – 15 ngày, phải bơm 18.000 lít dầu, tương đương hơn 500 triệu đồng, cùng với đá lạnh và lương thực, thực phẩm… phục vụ 15 thuyền viên ăn uống, tổng khoảng 550 triệu đồng. Do vậy, mỗi chuyến biển phải thu về trên 600 triệu đồng mới có lãi, với ngư trường hiện nay là không phải dễ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh thực hiện nhanh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đánh bắt xa bờ thì việc nâng cao hiệu quả bảo quản sau khai thác, liên kết chuỗi giữa ngư dân, doanh nghiệp chế biến, hiện đại hóa tàu cá là giải pháp để nâng cao hiệu quả của từng chuyến biển. Cùng đó, trong lúc chờ các chính sách mới ngư dân tiếp tục bám biển để tổ chức khai thác thật tốt, thật sâu để bù đắp lại những chi phí gặp khó khăn trong thời gian vừa qua. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã giao cho các cấp, ngành địa phương nghiên cứu, giảm bớt các thủ tục hành chính, sớm hỗ trợ đến tay ngư dân.
Ông Phạm Văn Hứa, giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết, giá xăng dầu gần đây tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến ngư dân. Sóc Trăng có 988 tàu khai thác thủy hải sản, trong đó 500 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện có trên 30% tàu ghe ở Sóc Trăng thả neo nằm chờ cơ hội. Trong số này có nhiều tàu đang ngoài khơi, do đánh bắt thu hoạch thấp, chi phí xăng dầu cao nên neo tàu, không vào đất liền. Để ngư dân yên tâm bám biển, đề nghị sớm có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu.
Có thể thấy, hiện đang là cao điểm của hoạt động khai thác thủy sản, nhưng rất nhiều tàu cá phải nằm bờ khiến đời sống của các ngư dân khó càng thêm khó. Ngư dân mong Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động đẩy mặt bằng giá các hàng hóa khác tăng và cần có giải pháp và hỗ trợ để giá xăng dầu ổn định.
Hoài Phương