(TSVN) – Chương trình chọn lọc hệ gen cho các thế hệ tôm bố mẹ tiếp theo tại Ecuador đã thành công vượt kỳ vọng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển của ngành tôm Nam Mỹ khi lần đầu sử dụng dữ liệu hệ gen để cải thiện tỷ lệ sống và tăng trưởng cho tôm.
Sản lượng tôm nuôi của Ecuador đã tăng gấp 5 lần trong vòng 10 năm qua, đạt hơn 1 triệu tấn vào năm 2021. Thành tựu này nhờ các chiến lược nuôi tôm hiệu quả gồm sử dụng tôm sạch bệnh SPF, không nhập khẩu tôm bố mẹ nước ngoài, chọn lọc giống qua hệ gen (GS), marketing hiệu quả, nâng cao kỹ năng quản lý và áp dụng các giải pháp công nghệ như hệ thống nuôi tăng trưởng đa pha, máy cho ăn tự động, thức ăn cải tiến, quản lý chất lượng nước và chất thải đáy ao hiệu quả cùng nhiều chương trình chọn lọc gen di truyền tại các vùng nuôi tôm.
Đây là thành tích chưa từng xuất hiện ở một quốc gia nuôi tôm nào trên thế giới. Trong 8 năm qua, những trại nuôi tôm tốt nhất tại Ecuador đã nâng tỷ lệ sống tăng gấp đôi, từ dưới 1 g/tuần ở mật độ 10 tôm/m2 lên hơn 2 g/tuần ở mật độ 15 – 25 tôm/m2. Sản lượng thu hoạch cũng tăng gấp đôi từ 3.500 pound lên 7.000 pound/ha, thời gian nuôi rút ngắn từ 180 – 200 ngày xuống 100 – 120 ngày, tức là tăng thêm 1 vụ nuôi mỗi năm, và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn giảm đáng kể từ 1,9 xuống 1,4.
Chương trình GS TTCT ở quy mô thương mại đã chọn lọc thành công thế hệ tôm bố mẹ tiếp theo qua dữ liệu bộ gen để cải thiện tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng Ảnh: Shutterstock
Về di truyền, các chương trình nhân giống hiệu quả tại các vùng nuôi tôm ở nhiều địa phương trên cả nước đã mang lại thành công trong việc cải thiện tốc độ tăng trưởng và quản lý tình trạng lai cận huyết. Tuy nhiên khả năng dự đoán tỷ lệ sống của tôm vẫn còn hạn chế. Được tạo đà từ những thành công về cải thiện tốc độ tăng trưởng của đàn tôm di truyền, Texcumar, một chương trình về di truyền học và nuôi tôm thành thục hàng đầu tại Ecuador với công suất 400 – 500 triệu nauplius/ngày đã quyết định khởi động Chương trình chọn lọc giống qua hệ gen (GS) nhằm mục tiêu đánh giá một công cụ di truyền hiện đại mới có thể giúp dự đoán và duy trì phản ứng di truyền đối với tỷ lệ sống – điều mà các chương trình chọn lọc giống trước đây chưa làm được.
Suốt nhiều thập kỷ qua, cùng với sự phát triển của công nghệ giải trình tự thế hệ mới và nhận dạng một số lượng lớn các chỉ thị phân tích DNA của đa hình nucleotide đơn (SNP),việc giải trình tự hệ gen chi tiết và đánh giá SNP chi phí thấp trở nên khả thi đối với tất cả các loài thủy hải sản nuôi. Khái niệm chọn lọc giống qua hệ gen (GS) được giới thiệu lần đầu tiên bởi Meuwissen et al. và sau đó được đón nhận và thực hiện rộng rãi khắp thế giới. GS là một chiến lược đánh giá di truyền và chọn lọc giống dựa vào số lượng lớn các chỉ thị di truyền (hơn 10.000) cho phép bao phủ toàn bộ hệ gen.
Năm 2020, Texcumar đã khởi động chương trìng GS thương mại đầu tiên trên thế giới. GS mang lại nhiều ưu điểm và lợi ích cải thiện di truyền như tăng độ chính xác và độ tin cậy của tất cả các thông số di truyền, đặc biệt đối với tính trạng có hệ số di truyền thấp như tỷ lệ sống; quản lý lai cận huyết hiệu quả hơn; thực hiện chương trình chọn lọc giống ngay từ giai đoạn đầu của chu kỳ sống như tôm post, tôm giống… Nhảy vọt từ chọn lọc hàng loạt đến chọn lọc hệ gen đã là một kỳ tích, trong khi đó Ecuador lại có thể thực hiện chương trình chọn lọc hệ gen quy mô thương mại. Với nhiều hãng nuôi tôm, GS hấp dẫn hơn chọn lọc hàng loạt, hay chọn lọc gia đình hoặc cá thể dù GS khó hơn và đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao hơn. Là quốc gia tiên phong thực hiện chương trình GS thương mại, dễ hiểu tại sao Ecuador luôn duy trì được vị thế dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu tôm trên thế giới trong 2 năm qua.
Vũ Đức
Theo Shrimpnews