Quảng Công (Thừa Thiên Huế) được mùa tôm cao triều

Chưa có đánh giá về bài viết

“Năm 2012, bà con nuôi tôm cao triều xã Quảng Công (Quảng Điền) trúng đậm, mỗi hộ lãi bình quân 60 triệu đồng. Kết quả đó chưa năm nào có được” – anh Võ Văn Chương, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm cao triều Quảng Công cho biết.

100% hộ nuôi đều có lãi

Chúng tôi đến khu nuôi tôm cao triều Quảng Công vào những ngày trung tuần tháng 3, chứng kiến cảnh bà con vui mừng khi tôm nuôi được mùa. Khu nuôi tôm cao triều Quảng Công được Nhà nước giao lại cho các hộ nuôi năm 2008, ban đầu ngư dân gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng. Bằng nguồn ngân sách của địa phương, cuối năm 2008, UBND tỉnh hỗ trợ cho huyện Quảng Điền 1,2 tỷ đồng đầu tư tu sửa máy bơm nước. Trạm bơm đưa vào vận hành vào đầu năm 2009, giúp bà con ngư dân đưa nước từ đầm phá Tam Giang vào hồ nuôi rất thuận lợi. Sau khi người dân được nhận lại đất, chính quyền địa phương phối hợp với ngành thủy sản giúp dân trong việc xử lý cải tạo ao hồ, hướng dẫn kỹ thuật hàng năm chỉ có khoảng 60% hộ nuôi có lãi, còn lại hòa vốn và lỗ.

Anh Chương thu tỉa cá để bán

Khu nuôi tôm cao triều Quảng Công có 26,7 ha được chia thành 40 hồ, với 34 hộ tham gia nuôi. Một năm thả nuôi hai vụ, trong đó vụ chính thả chuyên tôm bắt đầu từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 6; vụ phụ nuôi cua, cá và ương cá giống, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau. Năm 2012, nuôi tôm cao triều đạt sản lượng 150 tấn tôm, tăng 50 tấn so với năm trước; 100% hộ nuôi đều có lãi, hộ lãi cao nhất 80 đến 100 triệu đồng, hộ lãi thấp cũng được 40 triệu đồng.

Anh Võ Văn Chương, Chi hội trưởng chi hội nuôi tôm cao triều Quảng Công vui mừng: “Gia đình tui có 6 sào, năm vừa rồi thả 6 vạn post, sau hơn 4 tháng nuôi thu hoạch 7 tạ tôm thịt, lãi hơn 50 triệu đồng”. “Vụ hai, tui ương và nuôi cá dìa, đến thời điểm này chưa thu hoạch nên không tính được, giờ chừ cá dưới hồ mà bán cũng được trên 50 triệu đồng”-anh Chương khoe. 


Tính cộng đồng được nâng cao

Có được kết quả trên là nhờ bà con ngư dân có tính cộng đồng cao, thả nuôi đúng khung lịch thời vụ, thời gian cải tạo ao hồ được thực hiện trong thời gian một tuần, đồng loạt thả giống trong hai ngày… Ao hồ trước khi thả nuôi bà con tập trung xử lý kỹ, phơi đáy ao 10 ngày; bờ ao được gia cố vững chắc, sau đó mới cho nước vào để thả nuôi. Giống trước khi thả nuôi bắt buộc phải qua kiểm dịch PCR. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên theo dõi, giám sát nếu hộ nuôi nào thả giống không qua kiểm dịch sẽ bị xử phạt.

“Để có nguồn giống đảm bảo chất lượng các hộ nuôi tôm cao triều Quảng Công phải vào mua giống tại các tỉnh phía Nam. Mỗi lần đi là một nhóm khoảng 4 người vào các trại bán giống có uy tín để chọn giống, sau đó có hai người đưa mẫu giống ra Huế để kiểm dịch PCR. Sau khi kiểm dịch giống có kết quả tốt thì điện vào cho hai người ở lại bắt giống ra. Nhờ cẩn thận trong việc chọn mua giống nên nguồn tôm giống thả nuôi hầu hết đều chất lượng”-ngư dân Nguyễn Tè tâm sự.

Ông Lê Nguyên Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết: “Năm 2013, địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường thanh kiểm tra về thức ăn, thuốc thú y thủy sản nhằm hạn chế hàng giả làm ảnh hưởng đến người nuôi. Xử lý nghiêm những hộ nuôi thả giống không qua kiểm dịch. Tiếp tục khuyến khích bà con ngư dân cùng nhau nâng cao tính cộng đồng trong phát triển sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới bà con ngư dân nuôi tôm cao triều Quảng Công tiếp tục phát huy tính cộng đồng, cùng giúp nhau trong việc cải tạo ao hồ, chọn mua giống và hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi. Hy vọng, với việc phát triển sản xuất mang tính cộng đồng cao sẽ giúp bà con ngư dân mang lại kết quả cao trong mùa vụ tới.

Thanh Thuận

Báo Thừa Thiên Huế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!