(TSVN) – 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng 84%, mặt hàng cá tra xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng 107% so với cùng kỳ. Hơn nữa, với nhiều chính sách nới lỏng từ Trung Quốc, thị trường này được đánh giá có nhu cầu tiêu thụ tốt từ nay đến cuối năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng mạnh 3 con số 125 – 140% từ tháng 3 đến tháng 5, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc trong tháng 6 tăng 32% đạt gần 58 triệu USD. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD, tăng 84%.
Ảnh minh họa
Với mặt hàng cá tra, 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đi thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, chính sách “ZERO COVID” của Trung Quốc đã làm khó cho hàng thủy sản nhập khẩu trong suốt 4 tháng đầu năm nay, trong đó có các nước cung cấp chính cho nước này như: Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Nga, Na Uy, Indonesia và Philippines.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, cơ quan chức năng Trung Quốc đã có thông báo qua đại sứ quán nước này tại Việt Nam từ đầu tháng 7/2022, hàng hóa thực phẩm đông lạnh vào Trung Quốc nếu bị nhiễm virus SARS-COV-2 sẽ không bị đình chỉ xuất khẩu. Như vậy, Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách đình chỉ sau gần 2 năm thực thi. Đây cũng là tin tích cực đối với các nguồn cung cấp tôm, cá tra cho Trung Quốc trong đó có Việt Nam. Dự báo điều này sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu tôm và cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những quý cuối năm.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản (NAFIQAD) – Bộ NN&PTNT cho biết, với việc điều chỉnh quy định trên, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ bớt gặp khó hơn trong xuất khẩu nửa cuối năm 2022. Với những lô hàng bị nhiễm COVID-19, doanh nghiệp sẽ không bị đình chỉ xuất khẩu như trước đây nên hoạt động xuất khẩu không bị ảnh hưởng dây chuyền. Hải quan Trung Quốc sẽ cùng NAFIQAD kiểm tra trực tuyến quy trình sản xuất của doanh nghiệp để giám sát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, NAFIQAD đang đề nghị phía Trung Quốc ra văn bản chính thức thay vì chỉ gửi thông qua Đại sứ quán nước này tại Việt Nam.
Bình An