(TSVN) – Việt Nam xem việc phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp và gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, thời gian qua, rất nhiều ban, ngành, đơn vị đã triển khai những nhiệm vụ trọng yếu trong đó vai trò then chốt từ hoạt động nâng cao nhận thức của ngư dân về khai thác thủy sản.
Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản đã xây dựng Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” và đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Mục tiêu chung của Đề án là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC…
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2022 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông trong nước và quốc tế. Công tác này được thực hiện đa dạng về nội dung và hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, hình ảnh về phòng, chống khai thác IUU và nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam nhằm ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung khung pháp lý, chính sách phát triển nghề cá, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, định mức kỹ thuật về quản lý tàu cá và cảng cá. Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, phấn đấu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC…
Với nhiều cách làm thiết thực, đa dạng, lực lượng Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát Biển thời gian qua cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của nhân dân trên địa bàn biên giới biển.
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân các quy định trước khi ra khơi đánh bắt trên biển. Ảnh: Công Hạnh
Điển hình như Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 luôn chủ động phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn hành vi khai thác IUU. Từ đó, ý thức của ngư dân được nâng cao rõ rệt, chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Cụ thể, đơn vị đã thành lập các tổ đội xuống tuyên truyền ở các âu tàu, cảng cá và các hội nghị tuyên truyền cho các chủ thuyền lý các cam kết. Phối hợp với các lực lượng như: Kiểm ngư, Biên phòng, Hải quân và các Chi cục Thủy sản hỗ trợ cho ngư dân lắp đặt các thiết bị giá, sát hành trình. Trong quá trình các biên đội tuần tra, kiểm soát trên biển đơn vị vừa tuyên truyền nhưng cũng vừa xử phạt nghiêm khắc để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân trong quá trình khai thác hải sản trên biển.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 đã phối hợp với các địa phương ven biển do đơn vị quản lý đã tổ chức 5 đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 3.000 cán bộ và ngư dân. Các hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, nội dung dễ hiểu, dễ tiếp thu đang được lực lượng Cảnh sát Biển thực hiện thường xuyên. Được biết, tỉnh Quảng Ngãi có trên 3.200 tàu cá thường xuyên đánh bắt hải sản ở vùng biển xa và ngư trường tiếp giáp với các nước. Được tuyên truyền, phổ biến quy định xử phạt của các nước đối với tàu cá và ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển khai thác hải sản trái phép, khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam với các nước giúp cho ngư dân hiểu để hoạt động an toàn.
Hay như thông tin từ Đồn Biên phòng Bến Đá, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồn quản lý 12.000 lao động nghề biển với 572 tàu cá đánh bắt xa bờ và hơn 350 phương tiện của các tỉnh khác thường xuyên ra vào hoạt động nghề cá. Tình trạng ngư dân thời gian qua sử dụng phương thức đánh bắt theo kiểu tận diệt như giã cào, thuốc nổ để khai thác hải sản; không chấp hành các quy định về chống khai thác IUU…; đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái vùng biển và gây ra nhiều sức ép đến sinh kế lâu dài của người dân.
Do đó, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đơn vị thường xuyên cắt cử cán bộ đến Ban Quản lý nghề cá hướng dẫn ngư dân khai báo thông tin truy xuất nguồn thủy sản, làm thủ tục rời và nhập cảng theo đúng quy định; hỗ trợ giải đáp những thắc mắc liên quan đến khai thác hải sản. Bên cạnh đó, đơn vị còn kết hợp tuyên truyền cho ngư dân trong quá trình làm thủ tục kiểm soát hành chính trước mỗi đợt ra khơi hoặc dùng loa phóng thanh trên tàu tuần tra tuyên truyền cho các tàu ra, vào cửa biển.
Bằng nhiều cách làm khác nhau, như: Tuyên truyền tập trung trong hội trường, đến từng tàu hướng dẫn những điểm cốt lõi về đánh bắt hải sản kết hợp bảo vệ môi trường, phát tờ rơi… cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân (Quân chủng Hải quân) từng bước làm thay đổi nhận thức, trang bị những kiến thức thiết thực giúp ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh. Đây là một trong những hoạt động thuộc Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” được Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân phối hợp với các tỉnh ven biển: Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang triển khai thực hiện từ năm 2019 đến nay. Theo Đại tá Đỗ Hồng Duyên, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân, chương trình này nhằm chung tay cùng các cơ quan chức năng, các địa phương ven biển nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khai thác thủy sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; phát huy vai trò của ngư dân cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Ngọc Anh