Dak Lak được đánh giá là tỉnh nuôi trồng thủy sản phát triển nhất trong khu vực Tây Nguyên, với diện tích 9 nghìn ha. Năm 2012, sản lượng thủy sản Dak Lak đạt 14.450 tấn, lượng cá bột sản xuất 970 triệu con, nhưng số con giống sản xuất tại chỗ chỉ đạt 46 triệu con, mới đáp ứng được 59% nhu cầu con giống trong tỉnh.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Với hệ thống sông, hồ tự nhiên khá đa dạng, Dak Lak được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản nước ngọt, đặc biệt là sản xuất cá giống; là tỉnh có nghề sản xuất cá giống phát triển nhất Tây Nguyên, với 9 cơ sở sản xuất giống cấp I, tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 tỷ con cùng với hàng trăm cơ sở ương san khác. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và dòng chảy, các cơ sở sản xuất và các hồ ương san cá giống đều có nguồn nước thanh lọc tự nhiên nên việc sản xuất giống ít bị rủi ro về bệnh tật, là nguồn cung lớn về con giống cho người nuôi thủy sản trong khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế khả năng khai thác của các cơ sở nêu trên mới chỉ đạt khoảng 54 – 68% tổng công suất thiết kế. Với công suất này, lượng cá bột sản xuất hàng năm dao động từ 750 – 970 triệu con các loại, trong đó số cá bột được giữ lại để ương san tại chỗ chiếm một phần nhỏ (15 – 25%), phần lớn số cá còn lại được xuất bán ra các tỉnh khác trong nước. Vùng sản xuất cá giống cấp I tập trung chủ yếu ở các trại cá thuộc Công ty Cổ phần thủy sản Dak Lak, với diện tích ao nuôi vỗ cá bố mẹ và ao cá hậu bị khoảng 15 ha. Tuy là tỉnh có nghề sản xuất cá giống đứng đầu trong khu vực, nhưng các công trình sinh sản nhân tạo chủ yếu được thiết kế dựa theo công nghệ Trung Quốc, đến nay đã xuống cấp, không còn đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Các đàn cá bố mẹ hiện nay đều lấy ở các đàn cá được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, chưa được cung cấp nguồn giống gốc, giống thuần bảo đảm chất lượng. Thêm vào đó, mặc dù có 9 cơ sở sản xuất giống cấp I, nhưng thực tế năm 2012 chỉ còn 6 cơ sở tham gia sản xuất; số cơ sở ương san cũng giảm còn 56 cơ sở (giảm 144 cơ sở so với năm 2011) do đó lượng cá giống cũng giảm mạnh. Hình thức ương chủ yếu là hộ gia đình nhằm phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm của gia đình và cung cấp cho người dân địa phương. Hàng năm, lượng cá giống sản xuất được chỉ đáp ứng khoảng 48-59% nhu cầu trong tỉnh, còn lại phải nhập từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Các cơ sở sản xuất giống đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nguồn giống.
Sớm có giải pháp
Thực tế cho thấy nhu cầu về con giống cho phát triển nuôi trồng thủy sản của Dak Lak là rất lớn, nhưng khả năng cung ứng giống tại chỗ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây, ngành thủy sản tỉnh bước đầu đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hoặc các nguồn từ trung ương đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp cho ngành. Tuy nhiên, việc tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất giống nói riêng và thủy sản nói chung chưa nhiều. Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai một số đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giống và ương nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, bản địa, đặc hữu như: cá lăng đuôi đỏ, cá thát lát…, nhưng khả năng ứng dụng chưa cao do hạn chế về cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật. Mặc dù nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản được thực hiện từ nuôi các đối tượng truyền thống đến các đối tượng mới như: cá rô phi đơn tính, cá lóc, cá bống tượng, ếch thái lan…nhưng không thể mở rộng sản xuất vì khó khăn về con giống. Đây cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư và thu hút đầu tư phát triển ngành thủy sản của tỉnh và gây khó khăn trong việc dịch chuyển cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để khai thác tốt tiềm năng về sản xuất con giống ở Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng thì cần phải có các giải pháp đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương để tháo gỡ khó khăn trên. Trước mắt, cần sớm xây dựng các Trung tâm giống thủy sản, gồm: Trung tâm giống Quốc gia, Trung tâm giống cấp tỉnh nhằm bảo đảm lưu giữ nguồn gen thủy sản, xây dựng và duy trì các đàn giống gốc, giống thuần để cung cấp đàn cá bố mẹ chất lượng cao cho các trại giống và tham gia sản xuất giống chủ lực phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Đối với Dak Lak, các loài cá truyền thống là đối tượng nuôi chính và là đối tượng sản xuất giống chủ lực, tính riêng lượng cá bột sản xuất hàng năm của tỉnh từ 700 – 950 triệu con, nếu được giữ lại 100% phục vụ cho ương san tại chỗ thì mới đủ cung cấp cá giống cho cả tỉnh. Do vậy, giải pháp đưa ra là cung cấp đàn giống bố mẹ bảo đảm chất lượng cho các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh; tiến hành rà soát, chọn lọc đàn cá bố mẹ và mở rộng diện tích ương san cá giống tại chỗ; lưu giữ giống gốc, giống thuần… Để làm được điều này cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương về chính sách hỗ trợ và thu hút các dự án về phát triển thủy sản trên địa bàn.