(TSVN) – Nuôi ếch Thái Lan mang lại lợi nhuận cao, bởi thịt ếch là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, chi phí đầu tư nuôi ếch không cao và kỹ thuật nuôi không khó.
Ếch Thái Lan hay ếch Thái là loài lưỡng cư không đuôi, sống được trên cạn và môi trường nước. Đây là một loài ếch có giá trị kinh tế và được nuôi nhiều để lấy thịt ở Việt Nam. Về cơ bản thì ếch Thái Lan có hình thái cấu tạo tương tự như ếch đồng Việt Nam, tuy nhiên, ếch Thái Lan có màu sắc nhạt hơn, kích thước lớn hơn so với ếch đồng, trên vành miệng của ếch Thái có viền xanh nhạt còn ếch đồng thì không có. Ếch Thái Lan có mình ngắn và không phân cách với đầu. Chiều dài trung bình 7 – 13 cm, trọng lượng từ 100 – 300 g. Chân trước có 4 ngón rời nhau, chân sau dài và khỏe, có 5 ngón dính liền nhau bằng màng mỏng có tác dụng như một chân bơi trong nước. Ở gốc ngón thứ nhất của chi trước con đực có chai sinh dục, đây thực ra là một mấu lồi có tác dụng ôm chặt và kích thích con cái trong mùa sinh sản (Trần Kiên, 1996).
Trong điều kiện nuôi, nhiệt độ sống thích hợp của ếch Thái Lan khoảng 25 – 320C, tốt nhất là 28 – 300C, pH thích hợp trong khoảng 6,5 – 8,5 và phải nuôi trong môi trường nước ngọt, độ mặn không quá 5‰ (Lê Thanh Hùng, 2004). Chúng là loài ăn động vật sống, con mồi phải di động như các loài côn trùng, giun, ốc… Kích cỡ con mồi thường phải lớn. Nhu cầu dinh dưỡng của ếch khá cao, tương tự như những loài cá ăn tạp thiên động vật. Thức ăn phải đầy đủ dưỡng chất. Thức ăn ếch Thái Lan đã được thuần hóa nên có thể sử dụng được thức ăn tĩnh như thức ăn viên nổi hay thức ăn tự chế biến (cá tạp băm nhỏ, cám nấu…). Ếch ăn mạnh vào chiều tối và ban đêm hơn ban ngày (lượng thức ăn vào chiều tối và ban đêm gấp 2 – 3 lượng thức ăn ban ngày).
Từ khi nhập vào Việt Nam cho đến nay, phong trào nuôi ếch Thái Lan đã và đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước do nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất cao. So với các loài ếch được đưa vào nuôi ở nước ta hiện nay như ếch đồng, ếch bò thì ếch Thái Lan được nuôi phổ biến, bởi đây là đối tượng nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng cho thị trường tiêu thụ nội địa. Với những ưu điểm như chủ động về mặt con giống, hình thức nuôi và kỹ thuật nuôi đơn giản, thị trường tiêu thụ khá tốt, đặc biệt là loài ếch được thuần dưỡng nên có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dễ dàng, phù hợp cho hình thức nuôi thâm canh.
Do nhu cầu nuôi tăng nên con giống nhân tạo cũng đã được sản xuất thành công. Hiện nay, đa số các hộ dân ở địa phương đều áp dụng phương pháp tự nhân giống. Để có con giống khỏe mạnh, ếch bố mẹ được chọn phải là ếch khỏe mạnh, thường là ếch từ 1 năm trở lên, đặc biệt là không cùng bố mẹ để tránh giao phối cận huyết, ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Theo các hộ dân, bình quân 1 con ếch mẹ sinh sản 1 lần khoảng 4.000 trứng. Tùy vào điều kiện, người nuôi có thể lựa chọn hình thức nuôi ếch phù hợp. Ếch Thái Lan có thể nuôi đơn canh trong bể, nuôi trong giai, nuôi kết hợp với cá…
Với mục tiêu góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tháng 5/2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai mô hình nuôi ếch Thái Lan thương phẩm kết hợp với nuôi cá với quy mô gần 40.000 con ở 2 hộ dân tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên. Sau hơn 3 tháng cho thấy, ếch Thái Lan có khả năng tăng trưởng nhanh, sinh sản và tỷ lệ sống cao, ít bị dịch bệnh, thời gian nuôi ngắn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trọng lượng ếch thu hoạch khoảng 250 – 300 g/con. Với giá bán bình quân 70.000 đồng/kg, người dân có thể thu được 1,75 triệu đồng/m2 mặt nước (tương đương với 100 con ếch), trừ các chi phí có thể thu lãi 800.000 đồng/m2 mặt nước. Như vậy, nếu người dân nuôi 1.000 con ếch có thể thu nhập được trên 17 triệu đồng và cho thu lãi khoảng 8 triệu đồng. Đặc biệt, nuôi ếch Thái Lan thương phẩm có thể kết hợp với nuôi cá nhằm tận dụng thức ăn dư thừa của ếch, làm sạch được nguồn nước trong các ao nuôi.
Hay như tại Quảng Bình, Công ty TNHH Dịch vụ Kim Long Việt Nam (xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) đã thực hiện mô hình “Nuôi thâm canh ếch Thái Lan thương phẩm trong bể bạt HDPE trên vùng đất cát ven biển huyện Lệ Thủy”. Nhiệm vụ được triển khai thực hiện từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2022. Hiện, ếch đang phát triển tốt và dự báo cho kết quả khả quan. Mô hình được đánh giá là vốn đầu tư ban đầu ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm sóc và cho ếch ăn không mất nhiều thời gian, có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi trong ngày, do đó dễ áp dụng đại trà tại địa phương.
Diệu Châu