(TSVN) – Ngày 26/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 892/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án nhằm tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.
Theo đó, phát triển 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển để định hướng phát triển gắn với trung tâm kinh tế biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030.
Phát triển du lịch biển, đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên trên cơ sở liên kết phát triển khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch của từng vùng và toàn bộ dải ven biển Việt Nam. Ảnh: HL
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở phía Bắc (thuộc vùng biển và ven biển: Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình) với khu vực trọng điểm phát triển ở Hải Phòng – Quảng Ninh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Bắc Trung bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình) với khu vực trọng điểm phát triển là ven biển Nghệ An – Hà Tĩnh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi) với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận) với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa – Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á.
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở vùng Đông Nam bộ mở rộng (thuộc vùng biển và ven biển: Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu – Đông Nam TP Hồ Chí Minh – Tiền Giang) với khu vực trọng điểm phát triển ở Bà Rịa – Vũng Tàu – Đông Nam TP Hồ Chí Minh gắn với xây dựng là trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phía Đông vùng Tây Nam bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Bến Tre – Trà Vinh – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Đông Nam Cà Mau) với trọng điểm phát triển ở khu vực dọc hạ nguồn cửa sông Hậu (thuộc Trà Vinh – Cần Thơ – Sóc Trăng) gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển Tây Nam (thuộc vùng biển và ven biển Kiên Giang – Cà Mau) với trọng điểm phát triển là ở vùng đảo Phú Quốc và khu vực ven biển TP Rạch Giá – TP Cà Mau – Khu kinh tế Năm Căn gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.
Đề án cũng đề cập đến việc phát triển cụm liên kết ngành với các ngành ưu tiên theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam có lợi thế phát triển tại vùng biển và ven biển nhất là các ngành sản phẩm, dịch vụ kinh tế biển có chuỗi giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, ngành nghề kinh tế biển góp phần củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển đảo. Trong đó, phát triển du lịch biển, đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên trên cơ sở liên kết phát triển khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch của từng vùng và toàn bộ dải ven biển Việt Nam. Đặc biệt, phát triển mạnh kinh tế du lịch với các trung tâm, khu tổ hợp du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển, đảo có chất lượng cao, mang tầm quốc tế ở những cụm liên kết ngành kinh tế biển tại miền Trung, khu vực vùng biển Tây Nam (Kiên Giang – Cà Mau) và những khu vực vùng biển có điều kiện phù hợp.
Để thực hiện các định hướng phát triển nêu trên, Đề án định hướng sẽ bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, sử dụng đất, mặt nước, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư hoạt động và liên kết hợp tác với nhau hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển. Trước hết, nhanh chóng bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn làm hạt nhân thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành. Liên quan đến công tác quy hoạch, Đề án định hướng chú trọng thực hiện bố trí quy hoạch, sắp xếp các khu vực, không gian hoạt động ven biển và trên biển, đảo cho thu hút doanh nghiệp, cơ sở kinh tế hoạt động tập trung theo ngành kinh tế biển… Một giải pháp khác là sẽ bố trí phát triển các đô thị dịch vụ cảng biển, đô thị công nghiệp gắn với cảng biển, đô thị du lịch biển, đô thị nghề cá, khu đô thị khoa học công nghệ biển có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo sức hấp dẫn cao doanh nghiệp đến tập trung hoạt động và đáp ứng điều kiện nhà ở, dịch vụ tiện ích đời sống cho người lao động.
Vân Anh