T5, 04/08/2022 09:19

Thị trường thủy sản châu Âu: Chao đảo trước bão lạm phát

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt thì lạm phát gia tăng nhanh chóng đã kéo theo những xu hướng mới trên thị trường thủy sản – giá cả tăng vọt và sức mua suy yếu dần.

Khủng hoảng cá thịt trắng

Mới đây, Anh đã chính thức áp thuế 35% đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Nga, gồm cả hải sản chế biến như trứng cá tầm. Giá một số loại cá thịt trắng như cá tuyết và cá tuyết chấm đen đã cao, nay lại càng đắt đỏ hơn. Một phần ba cửa hàng bán cá và khoai tây chiên – món ăn truyền thống của người Anh có nguy cơ phá sản vì bão giá. Nga hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác cá minh thái và đứng thứ hai về cá tuyết và cá tuyết chấm đen. Không chỉ nước Anh, mà cả thị trường thủy sản châu Âu đều đang phụ thuộc vào nguồn cung cá thịt trắng nhập khẩu từ Nga, đây cũng là nhóm nguyên liệu quan trọng với tỷ trọng nhập khẩu chiếm 95% trong ngành công nghiệp chế biến cá thịt trắng tại châu Âu.

Căng thẳng quân sự tại Ukraine cũng làm giá nhiên liệu, giá điện tăng cao, từ đó đẩy chi phí khai thác, đánh bắt và chế biến cá thịt trắng tại các nước châu Âu lên theo. Công ty khai thác hải sản xa bời UK Fisheries ước tính sản lượng cá tuyết cod Bắc Cực mà Anh được đánh bắt trong năm 2022 đã giảm 40% so với thời điểm trước Brexit. Xung đột quân sự cũng ảnh hưởng đến nguồn lợi cá tuyết cod và cá tuyết chấm đen có nguồn gốc biển Barents, phía Bắc Na Uy và Nga. Trong khi đó, Ukraine chiếm 50% nguồn cung dầu hướng dương toàn cầu – nguyên liệu chính phục vụ chế biến món ăn tại các nhà hàng và chuỗi thức ăn nhanh.

Ảnh: Robertharding

Tại một số cửa hàng ăn nhanh ở Anh, giá 1 suất cá và khoai tây chiên hiện đã lên đến 11,5 bảng Anh, đắt hơn thịt bò bít tết. Một số cửa hàng đã thử thay thế cá tuyết cod hoặc tuyết chấm đen haddock bằng các loại cá thịt trắng khác như rô phi Brazil hoặc cá tuyết hake nhưng không thu hút được khách hàng. Tại châu Âu, giá cá thịt trắng tăng cao chưa từng có suốt nửa đầu năm 2022. Giá cá tuyết nguyên con của Iceland trung bình trong tháng 6 đạt 423 ISK/kg, tăng 30% so cùng kỳ năm ngoái.

Thiếu sức mua

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Pháp (INSEE), chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2022 đã tăng 4,8% so cùng kỳ, cao hơn mức 3,6% của tháng 2/2022 và 2,9% của tháng 1/2022. Căng thẳng chính trị tại châu Âu đã kéo chi phí năng lượng đi lên và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát gia tăng. Lạm phát giá thực phẩm tại thị trường châu Âu hiện khoảng 3,8%, trong khi lạm phát giá thực phẩm tươi sống đã lên đến 6,6%. Các loại chi phí đồng loạt leo thang đang tác động rõ rệt đến sức mua của người tiêu dùng châu Âu nói chung đối với các loại thực phẩm. Tiêu thụ thực phẩm tại Pháp trong tháng 3/2022 đã giảm 2,5% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Các nhà hàng và dịch vụ ẩm thực đang điêu đứng trước bão giá bởi họ buộc phải tăng giá từng món ăn trên thực đơn. Các quốc gia châu Âu khác cũng rơi vào tình trạng tương tự Pháp. Giá cá và các loại thủy, hải sản tại châu Âu đã không ngừng tăng suốt mùa Lễ Phục sinh và chỉ giảm nhẹ không đáng kể vào tháng 5 vừa qua, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn rất nhiều so mức giá cùng kỳ năm ngoái.

Tại châu Âu, đồng EUR đã trượt giá mạnh và tỷ giá giữa đồng Euro và đồng USD lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 kể từ năm 2002. Riêng giá các mặt hàng thủy sản tại châu Âu cũng đang tăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng và nhiều tuyến thương mại quan trọng bị gián đoạn, thậm chí đứt gãy do xung đột tại Ukraine và lệnh cấm vận hàng hóa từ Nga. Nhiều chuyên gia dự báo châu Âu sẽ phải quen dần với giá cả cao trong thời gian tới, có thể 1 – 2 năm và hy vọng rằng lạm phát đã đến đỉnh và sẽ đi ngang và giảm dần sau đó.

Cơ hội từ lỗ hổng nguồn cung

Sau khi Anh chính thức áp thuế 35% đối với thủy, hải sản Nga, giá các mặt hàng này càng tăng mạnh hơn. Cá minh thái Alaska của Nga sang Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang châu Âu. Giá cá ngừ tại thị trường này cũng đi lên do giá xăng dầu tăng mạnh đã làm tăng chi phí hoạt động của tàu khai thác và vận chuyển cá ngừ. Giá tôm, giá cá hồi đang tiếp tục tăng kể từ đầu năm 2022 nhờ thị trường phục hồi trong khi nguồn cung hạn hẹp.

Việc châu Âu thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản đang tạo cơ hội tăng thị phần cho các sản phẩm thay thế từ các quốc gia nằm ngoài lệnh cấm của EU tăng thị phần. Xuất khẩu cá và thủy sản đông lạnh của Bangladesh cũng phục hồi và đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây nhờ khối lượng tôm càng xanh và tôm sú sang châu Âu tăng cao. Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường EU cũng khởi sắc sau 3 năm ảm đạm. Tính đến nửa đầu tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang EU đạt 76,8 triệu USD, tăng 95% so cùng kỳ năm ngoái. Hà Lan là thị trường tiêu thụ mạnh nhất với 31,7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam tại EU. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tính tới 15/6/2022 đạt 338 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021.

>> Lạm phát tại EU còn tiếp diễn và đồng EUR mất giá so với đồng USD, thực trạng này sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động nhập khẩu thực phẩm tại châu lục này. Nền kinh tế các nước EU cũng đang phải xoay xở đối phó với khủng hoảng. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của khối này những tháng tiếp theo có thể giảm nhưng kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào cuối năm.

Đan Linh

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!