Ưu việt từ các giải pháp công nghệ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để nuôi tôm thành công, việc ứng dụng công nghệ hiện đại là điều mà rất nhiều doanh nghiệp và các hộ nuôi hướng tới trong bối cảnh nuôi tôm ngày một khó khăn như hiện nay. Việc ứng dụng các kỹ thuật, giải pháp công nghệ mới sẽ giải quyết những khó khăn và thách thức đặt ra, giúp nông dân tổ chức lại mô hình nuôi tôm, nhằm cắt giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người nuôi xung quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Nhứt, Phó Trưởng phòng Sinh học

Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu NTTS II

Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước được Viện Nghiên cứu NTTS II và Công ty TNHH Khoa học NTTS và Môi trường SAEN thực hiện trong vòng 2 năm, bắt đầu từ tháng 7/2020 trên 2 đối tượng là TTCT và tôm sú tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi trên quy mô 700 m2. Tôm nuôi sẽ được chia làm 3 giai đoạn trong 3 bể nuôi khác nhau (bể sử dụng khung sắt lót bạt). Đặc biệt, trong quá trình nuôi hoàn toàn không phải thay nước mà môi trường nuôi sẽ được xử lý liên tục qua 2 hệ thống xử lý chất thải rắn bằng màng lọc và chất thải hòa tan bằng vi sinh. Nước trong ao nuôi luân chuyển liên tục, sau khi qua xử lý, nguồn nước nuôi tôm được trả về hồ đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn để cho tôm phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng các chất kháng sinh. Công nghệ tuần hoàn nước khắc phục được những nhược điểm mà các công nghệ khác hiện nay chưa làm được đó là gần như tự động hoàn toàn. Người nuôi không phải xuống ao hồ, vệ sinh và chất lượng nước lúc nào cũng duy trì ở mức độ ổn định về các chỉ số, không gây ô nhiễm.

Ông Banchong Buahung, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam

Mô hình CPF-Combine House là phiên bản mới nhất của C.P. Việt Nam không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao tỷ lệ thành công và hiệu quả nghề nuôi ngày một tốt hơn, mà còn góp phần gia tăng sản lượng tôm nuôi mà không cần tăng thêm diện tích nhờ nuôi tôm được quanh năm, nuôi trong mọi điều kiện thời tiết. Mô hình này, kết hợp với sản phẩm và quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh của C.P cũng giúp cho việc phòng chống dịch bệnh được tốt hơn, tôm nuôi được an toàn hơn, nhất là đối với một số bệnh nguy hiểm đang xuất hiện nhiều ở vụ nuôi năm nay, như: EMS, EHP, phân trắng… Đối với mô hình này, nước vẫn là “trái tim” của mô hình, còn thuốc phòng, trị bệnh cho tôm tốt nhất chính là nguồn ôxy dồi dào và chế phẩm vi sinh có chất lượng do C.P cung cấp. Trong bối cảnh thời tiết, môi trường, dịch bệnh biến đổi khó lường thì việc áp dụng các mô hình nuôi tôm tiên tiến là rất cần thiết, nhằm nâng cao tỷ lệ thành công, nâng cao hiệu quả cho người nuôi.

TS Lê Thế Xuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH

Công nghệ Sinh học Trúc Anh

Nếu tính trên cả nước hiện có khoảng 2.000 hộ nuôi tôm ứng dụng quy trình nuôi tôm sạch bằng sinh học hoàn chỉnh của Trúc Anh, còn nếu tính chung số hộ nuôi sử dụng thường xuyên sản phẩm sinh học của Trúc Anh lên đến khoảng 10.000 hộ. Trong số này, tỷ lệ thành công trong giai đoạn 40 ngày tuổi là 97%, còn đến khi đạt điểm có lời là trên 80%. Riêng đối với những diện tích nuôi ao đất hiện đa phần đang rất khó khăn, người nuôi chưa có giải pháp gì để nâng cao tỷ lệ thành công và hiệu quả nuôi, nên ở vụ nuôi tới, Trúc Anh sẽ hỗ trợ thêm các giải pháp kỹ thuật cho nhóm đối tượng này. Hiện, Trúc Anh vẫn có những khách hàng nuôi ao đất thành công cũng như gắn bó với quy trình và cơ hội cho mô hình nuôi ao đất có thể khẳng định là vẫn có. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này có hiệu quả người nuôi cần phải thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật của Trúc Anh, đặc biệt là trong quy trình cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi. Tới đây, Trúc Anh sẽ làm thí điểm một vài mô hình để người nuôi có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả cho mô hình này.

Ông Trương Mỹ Phát, hộ nuôi tôm tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Năm 2018 tôi thấy nhiều người nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình CPF-Combine tại địa phương mang lại hiệu quả, nên cũng mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình này. Mới đây, tôm nuôi của tôi đã đạt tới cỡ 11,1 con/kg, điều mà từ trước tới nay có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới và được biết đây là kỷ lục tôm lớn nhất cho đến thời điểm khiến tôi càng thêm tự tin với mô hình của C.P. Hiện tại, tôi rất hài lòng với mô hình CPF-Combine của C.P bởi chỉ với 800 m2 ao nuôi mà tôi đã có lời lên tới 755 triệu đồng chỉ sau 1 vụ nuôi. Mà đâu phải mới năm nay, mấy năm trước, dù tình hình nuôi cũng khó khăn nhưng với mô hình CPF-Combine này tôi đều nuôi có lời. Điều đó cho thấy, đây là mô hình rất phù hợp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh và sản phẩm tôm “sạch”. Hơn nữa, người nuôi có diện tích ít cũng có thể thực hiện được mô hình này một cách dễ dàng. Nhưng theo tôi để có được thành công cao, trước khi thực hiện, người nuôi nên đi tham quan, học hỏi tại những trại nuôi đã thành công qua nhiều vụ.

Ông Huỳnh Văn Ninh, hộ nuôi tôm tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

Tôi đã nghe nhiều về tính hiệu quả của mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm sạch theo công nghệ Trúc Anh và đây tuy là lần đầu tiên áp dụng nhưng với kết quả đến thời điểm này tôi thấy là hơn hẳn những quy trình trước đây mà tôi đã thực hiện. Ưu điểm của mô hình Trúc Anh là không sử dụng hóa chất, kháng sinh hay chất tăng trọng trong quá trình nuôi thôi đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí mà con tôm vẫn an toàn, tăng trọng tốt so với cách làm của tôi trước đây. Bây giờ nuôi tôm khó khăn lắm, kể cả khi chuyển lên nuôi ao bạt thì thiệt hại cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Công ty Trúc Anh đã luôn đồng hành hỗ trợ tôi trong suốt quá trình thực hiện mô hình nhất là việc hướng dẫn tôi cách quản lý thức ăn sao cho hiệu quả nhất, để hạn chế tình trạng dư thừa vừa gây tốn kém thức ăn, vừa làm cho ao tôm dễ bị ô nhiễm tốn thêm chi phí xử lý.

Một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao phổ biến hiện nay

Mô hình nuôi RAS: Là mô hình nuôi tuần hoàn khép kín với môi trường được kiểm soát chặt chẽ trong các bể nuôi trong nhà. Nước chỉ lấy một lần, được lọc sạch dựa trên công nghệ lọc sinh học kết hợp cơ học và hệ thống xử lý chất thải hiện đại, sau đó tái sử dụng liên tục. Nhờ đó, hạn chế được dịch bệnh xảy ra ở tôm và giảm đáng kể tiêu thụ nguồn nước.

Mô hình nuôi Biofloc: Cốt lõi của công nghệ nuôi này là tạo và duy trì các hạt floc lơ lửng trong ao nuôi, khi đạt được mật độ nhất định chúng sẽ xử lý chất thải hữu cơ và trở thành nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, giúp tiết kiệm lượng thức ăn.

Mô hình nuôi 2 giai đoạn: Trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong ao ương từ 20 - 30 ngày trong diện tích ao nhỏ nhằm giảm tác động của thời tiết và môi trường bên ngoài, hạn chế được hiện tượng tôm chết sớm thường xảy ra trong 20 ngày đầu. Sau đó, chuyển đến giai đoạn 2 nuôi thương phẩm ở ao lớn từ 60 - 70 ngày là có thể thu hoạch.

Mô hình nuôi 3 giai đoạn: Được phát triển dựa trên mô hình nuôi 2 giai đoạn, điểm khác biệt của công nghệ nuôi tôm 3 giai đoạn là giai đoạn nuôi thương phẩm được tách làm 2, mỗi giai đoạn kéo dài 25 - 30 ngày. Rút ngắn chu trình nuôi, hiệu quả kinh tế cao.

An Xuyên – Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!