Bình Thuận: Xuất khẩu thủy sản khởi sắc trở lại

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài tăng, hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bình Thuận đã đã khôi phục và có khởi sắc trở lại trong những tháng đầu năm 2022.

Theo thống kê, tháng 7/2022, nhóm hàng thủy sản xuất khẩu ước đạt 26,6 triệu USD, tăng 3,85% so với tháng trước và tăng 49,54% so cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 7 tháng năm 2022, nhóm hàng thủy sản đạt 151,22 triệu USD, tăng 61,2% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tôm thẻ chân trắng xuất đi Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh; mực tươi đông lạnh xuất đi Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ; thủy sản khác xuất đi Nhật Bản, Colombia, Mỹ, Đan Mạch…

Để đạt được kết quả này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đã cố gắng duy trì ổn định thị trường truyền thống, một số thị trường có đơn hàng tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của địa phương tăng trở lại không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn mà còn bổ sung lớn cho nguồn thu ngân sách tỉnh trong năm 2022.

 

Khai thác thủy sản. Ảnh: BT

Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 370 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản tươi, đông lạnh và khoảng 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm. Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ hộp, sushi, sashimi, surimi – chả cá, đa dạng hóa các sản phẩm khô. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều được chứng nhận và áp dụng chương trình quản lý chất lượng HACCP, tiêu chuẩn BRC, Halal… 

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản được chú trọng. Đồng thời, xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm thủy sản an toàn, cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm thủy sản an toàn. Hỗ trợ các cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản.

Để đạt mục tiêu đề ra và giữ vững được thị trường xuất khẩu, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 45 ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy Bình Thuận về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Đồng thời triển khai quyết liệt kế hoạch hành động của tỉnh về chống khai thác IUU, ngăn chặn, đẩy lùi và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng giã cào bay hoạt động sai tuyến trên vùng biển của tỉnh. Tổ chức quản lý, phát huy các công trình cảng, bến cá đã đầu tư, thu hút tàu thuyền trong và ngoài tỉnh tập kết tiêu thụ sản phẩm.

Trong nuôi trồng thủy sản, tăng cường phát triển nuôi các loại thủy sản có lợi thế, có giá trị kinh tế cao, chú trọng ứng dụng công nghệ tiến bộ trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm ở những vùng có điều kiện. Đẩy mạnh phát triển chế biến thủy sản đa dạng về quy mô, sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản. Mở rộng áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên tất cả các khâu từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm chế biến…

Mộc Trà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!