(TSVN) – Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới bật tăng trở lại sau thời gian dài đè nén bởi dịch COVID-19, giá các sản phẩm thủy sản cũng tăng theo xu hướng lạm phát giá trên thị trường; chiến sự của Nga – Ukraine cũng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường nửa cuối năm được nhận định là không mấy “thuận buồm xuôi gió” cho các doanh nghiệp.
Trong 6 tháng qua, nhóm các mặt hàng thủy sản có sự tăng trưởng vượt bậc, ghi nhận doanh thu tăng kỷ lục của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đó là cá tra, tôm và cá ngừ; nổi bật và duy trì được “phong độ” ổn định nhất chính là ngành hàng cá tra.
Theo VASEP, 6 tháng qua, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 83% so cùng kỳ, với các thị trường đều tăng mạnh; trong đó, Trung Quốc, Mỹ và khối các nước CPTPP là những thị trường nhập khẩu chính của cá tra Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
Trong báo cáo phân tích ngành thủy sản mới phát hành của Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, giá bán trung bình của cá tra sang thị trường Mỹ đạt khoảng 4,5 – 5 USD/kg, tăng mạnh tới 60% so cùng kỳ năm trước. Ở thị trường Trung Quốc, mức giá bán bình quân cá tra tuy có thấp hơn, ở mức 3,1 USD/kg, song cũng tăng 20% so với cùng kỳ.
Hiện, trên thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gây ấn tượng mạnh, khi hầu hết đều có kết quả kinh doanh vượt trội, ghi nhận mức lãi “khủng” nhờ hưởng lợi từ chu kỳ giá cá tăng mạnh. Điển hình trong bảng danh sách này là Công ty CP Vĩnh Hoàn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Vĩnh Hoàn, trong quý, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 80% so cùng kỳ, nhận lợi nhuận sau thuế đạt 788 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ. Theo giải trình của Công ty, lợi nhuận tăng mạnh trong kỳ là nhờ sản lượng và giá bán cá tra tăng mạnh trong thời gian qua. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn lãi sau thuế là 1.341 tỷ đồng, gấp 3,4 lần con số 393 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Một tên tuổi “lừng lẫy” khác đó là Công ty CP Nam Việt. Tính chung nửa đầu năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41% so cùng kỳ năm 2021; trong đó, chủ yếu là sự tăng trưởng từ các mảng liên quan đến cá tra. Lợi nhuận sau thuế đạt 447 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ. Với kết quả này, Nam Việt đã đạt 51% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực Đông Thái Bình Dương (EPO) thấp, điều này đã ảnh hưởng tới sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt của Mỹ. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao đã đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tăng lên. Tất cả những điều này đã thúc đẩy nhập khẩu cá ngừ của Mỹ từ các nguồn cung, trong đó có Việt Nam. Thống kê của VASEP cho thấy, hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 6, với kim ngạch đạt 90 triệu USD, tăng 41% so cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 553 triệu USD, tăng 56%.
Kết quả xuất khẩu thủy sản 6 tháng là tín hiệu vui cho ngành song vẫn còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa ngành thủy sản trong nửa cuối năm. Trong đó, doanh nghiệp sẽ phải trả lời câu hỏi liệu có đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm?
Đối với cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, việc này cũng không đáng lo ngại, bởi lẽ, phần lớn các hộ nuôi cá tra thương phẩm đều đã tham gia vào chuỗi. Trong chuỗi này, các doanh nghiệp sẽ đi từ khâu thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Với mức giá cá tra như hiện nay, doanh nghiệp cá tra ít ra cũng hòa vốn nhưng có thể được bù lại lợi nhuận ở khâu thức ăn (doanh nghiệp tự chủ được thức ăn nên chi phí khâu này sẽ rẻ hơn).
Về dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, con số có thể vượt mốc kim ngạch đạt được năm 2018 là trên 2,2 tỷ USD, hoặc chỉ đạt con số 2 tỷ USD. Việc này tùy thuộc vào sản lượng, việc mở rộng diện tích vùng nuôi, chứ không phải nhu cầu thị trường. Bởi, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra tăng mạnh chủ yếu do tồn kho lớn từ năm trước chứ không phải tăng sản lượng nuôi. Như vậy, sức bền của chuỗi cung ứng, sức bền của ngành hết sức quan trọng. Chính sách của Nhà nước phải làm sao hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nuôi duy trì ổn định sản xuất, tiêu thụ.
Còn theo nhận định của các nhà nhập khẩu, tình hình tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó cá tra tại Mỹ có dấu hiệu chững. Hầu hết các công ty thủy sản cũng cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 5/2022. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III/2022.
Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ. Tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích, doanh số bán sản phẩm thủy sản đông lạnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng, nhưng không nghiêm trọng bằng doanh số bán hàng tươi sống giảm mạnh. Trong khi đó, các kho hàng thủy sản nhập khẩu của Mỹ vẫn còn dồi dào. Do đó, có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn so các quý trước.
Với nhóm hàng tôm, nửa cuối năm 2022, xuất khẩu tôm nằm trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu trong nước hạn chế, lạm phát tăng cao tại các thị trường chính, nhu cầu tiêu thụ chững lại làm ảnh hưởng mục tiêu xuất khẩu. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, những yếu tố chính tác động khiến cho xuất khẩu tôm trong các tháng cuối năm có thể không bằng đầu năm, như: Lạm phát tăng cao người tiêu dùng bắt buộc phải chọn lựa loại thực phẩm có giá rẻ hơn, trong khi tôm được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ có phần chững.
VASEP cũng đưa ra những thách thức lớn của ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm, đó chính là: Tại thời điểm tháng 6/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Mỹ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP Hồ Chí Minh (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400 – 410 triệu đồng/cont. Tiếp đó là nguyên liệu hải sản cho chế biến thiếu hụt do tàu cá nằm bờ (chủ yếu là giá xăng dầu tăng cao), các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến. Mặt khác, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp và người nuôi. Ngoài ra, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, VASEP đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để hoạt động sản xuất, xuất khẩu, gia công xuất khẩu…
Hồng Hạnh