Bất lợi đối với cá tra Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra áp mức thuế chống phá giá cao hơn 70 lần so với mức thu cũ đối với các sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu và nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng.

Bất bình trước phán quyết vô lý:

Trước việc phán quyết vô lý và không khách quan của DOC về mức thuế đối với con cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang bức xúc: “Chúng tôi rất bất bình và cực lực phản đối mức thuế trong quyết định cuối cùng cho đợt xem xét hành chính chống bán phá giá lần này đã tăng lên 100%. Bởi DOC đã thay đổi mức thuế một cách đột ngột, lấy Indonesia làm quốc gia thay thế để tính giá cá tra Việt Nam là thật vô lý thay vì nước Bangladesh trước đây. Thực tế, những năm qua Indonesia là quốc gia không có nền công nghiệp chế biến cá tra tương xứng với Việt Nam. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào nuôi cá tra của nước này cũng rất cao nên không phản ảnh được chủng loại cá tra cũng như  giá thành thực tế tại Việt Nam. Mặt khác, Indonesia cũng chỉ là nước nhập khẩu con cá tra phi lê đông lạnh chủ yếu từ Việt Nam, mà không xuất khẩu mặt hàng cá tra sang thị trường thế giới”.

Cũng theo ông Lê Chí Bình, trong 8 năm qua, DOC luôn chọn nước Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của mặt hàng cá tra Việt Nam. Thậm chí, DOC vẫn tiếp tục áp dụng chính sách hợp lý này trong đợt xem xét các nhà xuất khẩu mới được công bố cách đây vài tuần. Do đó, không có lý do nào để Indonesia trở thành nước thay thế hoặc dữ liệu của nước này được coi là đáng tin cậy hơn trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8. “Có nhiều ý kiến cho rằng nếu Mỹ tăng thuế xuất thì cá tra Việt Nam có cơ hội tăng giá là điều không xác đáng với thực tế. Bởi, hiện nay, thị trường tài chính Châu Âu đang khủng hoảng, nếu tăng giá xuất khẩu cá tra thì người tiêu dùng làm gì có đủ tiền để mua. Còn đối với thị trường Hoa Kỳ, mặt hàng cá tra sẽ bị giới hạn, kim ngạch xuất khẩu cũng bị giảm mạnh. Qua đó, người nuôi lẫn doanh nghiệp sẽ đối mặt với 2 vấn đề quyết định đến sự thành bại là giảm lượng nuôi và giảm lượng xuất. Đây rõ ràng là sự cạnh tranh không bình đẳng”, ông Bình cho biết.

Thách thức đối với ngư dân và doanh nghiệp:

Mới đây, Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, phấn đấu đến năm 2015 sản lượng nuôi cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL ước đạt 1,2-1,5 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 800 nghìn tấn, tiêu thụ nội địa 150 nghìn tấn, tạo công ăn việc làm cho trên 25 vạn lao động. Tuy nhiên, với mức áp chống phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ như hiện nay sẽ gây ra sự bất lợi cho người nuôi, hàng loạt ao nuôi sẽ bị treo kéo theo vấn nạn thất nghiệp… Ông La Văn Tâm, hộ nuôi cá tra ở xã Hòa Lạc (Phú Tân), lo lắng: “Vừa qua, nghe thông tin Hoa Kỳ tăng mức thuế đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu, người nuôi chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Hiện tại, hầm cá hơn 500 ngàn con đang bước vào giai đoạn bán, nhưng trước sự kiện trên các doanh nghiệp cũng không mặn mòi cho lắm. Trong khi đó, Hoa Kỳ phán quyết mức thuế cao đối với các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu thì nghề nuôi cá tra ở An Giang sẽ càng ảm đạm hơn, người nuôi bị lỗ lã, treo ao là không tránh khỏi”.

Ông Đoàn Văn Trung, người nuôi cá tra ở xã Bình Thạnh (Châu Thành), bức xúc nói: “Nhiều năm qua, thị trường cá tra nguyên liệu cũng như xuất khẩu không ổn định, giá cả liên tục bấp bênh, trong khi đó người nông dân tạo ra sản phẩm phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Mấy năm qua, 3 ao cá của tôi thả nuôi hàng triệu con, nhưng do giá cả thị trường lên xuống thất thường nên đành phải giảm lượng cá chỉ còn khoảng 1 triệu con. Hổm rày, giá cá nằm ở mức thấp, nên tôi neo lại đợi giá lên mới hy vọng có lời”.

Cũng cùng tâm trạng với những hộ nuôi, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cũng hết sức choáng váng. Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: “Quyết định của DOC không những gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nông dân nuôi cá Việt Nam mà chính người tiêu dùng Mỹ cũng chịu thiệt hại nặng do họ phải bỏ ra thêm nhiều tiền để mua cá tra. Ngoài ra, việc DOC lấy giá thành nuôi cá tra ở Indonesia để áp cho Việt Nam là vô lý, vì nước này không có ngành công nghiệp nuôi trồng, chế biến lớn như Việt Nam. Với mức thuế này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ chẳng còn cách nào để xuất khẩu vào Mỹ, mà phải tìm hướng đi mới sang thị trường khác”.

Ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu thủy sản nói chung:

Cũng theo thông tin từ VASEP, hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra, cá basa lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt được 1,8 tỷ USD (tương đương với 2011) thì kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt hơn 358 triệu USD, chiếm khoảng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Chiến lược – Chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, quyết định của DOC là không quá bất ngờ. Bởi, những năm trước đây, các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ đã nhiều lần tìm cách ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường nước này. Trong đó có cả việc gây sức ép đối với các cơ quan chức năng của Mỹ phải tạo ra các hàng rào kỹ thuật, xếp cá tra, cá ba sa của Việt Nam không phải là cá da trơn. Theo các chuyên gia thương mại, việc phải đương đầu với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ khiến thuế xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ rất khó khăn và xuất khẩu cá tra nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung vào thị trường Mỹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Theo ông Trần Công Thắng, để tránh nguy cơ bị kiện bán phá giá, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cần phải thống nhất một mức giá sàn xuất khẩu cá tra. Trước đây, với sự vào cuộc tích cực của VASEP, việc các doanh nghiệp đã phá rào, cạnh tranh nhau, kéo giá xuống quá thấp đã được ngăn chặn nhưng sau đó tình trạng này lại tái diễn. “Cách làm như vậy chỉ giải quyết được cái lợi trước mắt nhưng lại gây hại trong lâu dài. Việc Bộ Thương mại Mỹ tăng thuế lần này đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa của Việt Nam khi vào thị trường Mỹ là cảnh báo không chỉ đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa mà còn với những mặt hàng thủy sản khác”, ông Thắng lưu ý.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, đại diện 16 doanh nghiệp có tên trong danh sách sẽ bị áp thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra, basa đã cùng VASEP họp bàn và thống nhất các phương án chuẩn bị khởi kiện Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ.

Danh sách các doanh nghiệp chế biến mặt hàng cá tra, basa xuất khẩu ở An Giang sẽ bị áp thuế chống bán phá giá:

Nhà xuất khẩu

Thuế suất (USD/kg)

Công ty Cổ phần Anvifish

1,34

Afiex

0,77

Công ty CPTM Thủy sản Á Châu

0,77

Tập đoàn Nam Việt

0,77

Agifish

0,02

Lưu Mỹ

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!