(TSVN) – Thời điểm này, ngư dân ở Đồ Sơn, Hải Phòng đang vào mùa khai thác dắt biển, có ngày đội ngư dân cào được hàng tấn dắt biển để bán.
Dắt biển là loại nhuyễn thể, vỏ 2 mảnh, họ hàng với sò, ngao,… có màu trắng đục. Ngoài làm thực phẩm cho người, dắt còn được dùng làm thức ăn cho tôm, cua, cá.
Dắt biển. Ảnh: ST
Được biết, mùa dắt biển bắt đầu khi vào hè và kéo dài tới tháng 10 hàng năm. Khi thủy triều xuống thì người cào dắt bắt đầu đi khai thác. Do tập tính của dắt thường đi kiếm ăn vào buổi sáng, nên muốn bắt, người dân ven biển phải dậy từ rất sớm. Vào mùa, người cào dắt đi từ sáng sớm đến tận chiều mới trở về.
Nơi cào dắt thường là những bãi cát sát biển, có độ sâu từ 0,5 – 1 m so với mặt nước biển. Dụng cụ chủ yếu để khai thác dắt là những vợt lưới dài 5 – 7 m, được chế tạo chuyên biệt, có thể cào dưới nước và di chuyển một cách dễ dàng.
Hiện nay, dắt biển được thương lái thu mua tại bờ với giá dao động khoảng 2.500 – 3.000 đồng/kg. Mặc dù giá thấp, nhưng vào mùa cao điểm, có đội ngư dân khai thác được sản lượng dắt lên đến hàng tấn để bán cho các thương lái. Theo đó, mỗi ngày, nghề cào dắt có thể mang lại thu nhập từ 300 – 500.000 đồng cho mỗi ngư dân. Chính vì thế, cào dắt trên khu vực biển gần bờ huyện Đồ Sơn là kế sinh nhai của rất nhiều ngư dân sống ven biển.
Minh Hiếu