(TSVN) – Trữ lượng cua tuyết và cua huỳnh đế Alaska đang sụt giảm đáng kinh ngạc. Nguyên nhân chưa được làm rõ, song ngư dân đang điêu đứng vì thất nghiệp, nợ nần còn nhà hàng cũng chật vật trước cảnh chi phí nhập khẩu cua leo thang.
Nhiều giả thuyết đặt ra xung quanh sự biến mất của cua Alaska như cua di cư đến vùng biển thuộc Nga, bị động vật ăn thịt khác tấn công hoặc tự ăn thịt lẫn nhau. Thực tế, cua đã nhanh chóng biến mất khỏi thềm lục địa và các nhà khoa học không còn thấy bóng dáng của chúng. Nhưng có một nguyên nhân phỏng đoán mà tất cả mọi người đều đồng ý đó là sự biến mất của cua tuyết Alaska có thể liên quan đến biến đổi khí hậu. Các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học biển và ngành khai thác thủy sản lo ngại rằng sự biến mất đột ngột và không mong muốn của loại hải sản cao cấp này báo hiệu nguy cơ xóa sổ nghề cá trong một thế giới đầy biến động.
Sản lượng thu hoạch cua Alaska đang giảm dần hơn một thập kỷ qua. Trong khi đó, vào năm 2018 và 2019, nhiều nhà khoa học đã đưa ra hình ảnh và bằng chứng cho thấy loài cua này bám đầy đáy đại dương, báo hiệu nguồn lợi dồi dào và các vụ khai thác bội thu. Anh Prout, một ngư dân 32 tuổi và các anh em trong gia đình đã bỏ ra 4 triệu USD để mua quyền khai thác một lượng lớn cua biển, đồng thời mua luôn quyền sở hữu con tàu 116-foot Silver Spray để phục vụ các chuyến đi biển quy mô lớn. Đó là thời điểm nhiều ngư dân trẻ quyết định quay lại nghề khai thác trên biển Bering với niềm tin trúng đậm vụ cua tuyết 2021. Nhưng giờ đây họ hoàn toàn “vỡ mộng”.
Sản lượng thu hoạch cua Alaska đang giảm dần hơn một thập kỷ qua. Ảnh: Laura Reiley
Dù có nhiều tín hiệu lạc quan, các nhà khoa học phát hiện trữ lượng cua tuyết đã giảm 90%. Hạn ngạch khai thác cũng được tăng từ 4,5 triệu pound lên 5,5 triệu pound nhưng trên thực tế ngư dân không đánh bắt đủ khối lượng đó. Tháng 10/2021, chính quyền bang Alaska đã phải đóng cửa vụ khai thác cua huỳnh đế, lần đầu tiên kể từ thập niên 1990. “Chật vật vô cùng. Chúng tôi kéo lưới qua những ngư trường trống trơn, tìm kiếm suốt hàng dặm dưới đáy biển mà không bắt nổi 100 con cua. Nỗ lực khai thác là vậy nhưng vẫn không đánh bắt đủ hạn ngạch cho phép”, anh Prout nói.
Cua huỳnh đế thường có kích thước lớn, lên tới 20 pound mỗi con, lớp vỏ dày và nhiều gai sắc nhọn nên cần dụng cụ chuyên dụng để tách vỏ. Cua tuyết nhỏ hơn, từ 2 – 4 pound và có lớp vỏ mềm hơn nên có thể bẻ bằng tay. Cua tuyết chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp khai thác cua tại Alaska, với giá bán 25 USD/pound nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với giá cua huỳnh đế. Tuy nhiên, cả hai loại cua này đều được coi là đặc sản cao cấp với thớ thịt dài, trắng, chắc và ngọt, nhất là phần chân cua.
Tại nhà hàng Joe’s Stone Crab ở bang D.C, một suất chân cua hoàng đế có giá 199,95 USD cho các cỡ 11/2 pound. Một mức giá đáng kinh ngạc. Trong khi những nhà hàng đang phải chật vật tìm kiếm nguồn cung mới để bù đắp lượng thiếu hụt từ cua Alaska thì nay lại phải đối mặt thêm một vấn đề đau đầu nữa: Đó là chính phủ Mỹ ban hành cấm nhập khẩu thủy hải sản Nga vào tháng 3/2022, cùng với nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như rượu vodka và kim cương nhằm trừng phạt Nga vì chiến sự tại Ukraine.
Klaw, một nhà hàng ở Miami đã phải làm việc với Troika Seafood – một hãng bán buôn thủy hải sản Na Uy để mua cua huỳnh đế đỏ từ hạt Finnmark, thuộc vùng cực Bắc nước này. Cua được vận chuyển bằng đường hàng không Norse Atlantic Airways qua đêm tới Fort Lauderdale. Quản lý nhà hàng Klaw, ông Atterbury cho biết: Chúng tôi bảo quản cua huỳnh đế tươi sống trong bể 2000 gallon ngay trong nhà hàng. Chi phí nhập khẩu cua tăng mạnh nhưng họ không còn cách nào khác ngoài chuyển một phần nhỏ chi phí sang tay khách hàng.
Alaska có 3 nguồn cua lớn là cua tuyết, cua huỳnh đế và cua da. Trong khi cua huỳnh đế và cua tuyết đang dần biến mất thì trữ lượng cua da vẫn còn tương đối nhiều nhưng ngành khai thác cua da quy mô nhỏ, chủ yếu mang lại thu nhập cho một nhóm cộng đồng cư dân ở tây Alaska. Đảo St. Paul còn có một trong những nhà máy chế biến cua lớn nhất thế giới là Trident Seafood, sử dụng tới 400 công nhân trong mùa cua tuyết cao điểm vào mỗi tháng 2. Tuy nhiên, tháng 2 năm nay, nhà máy rất trầm lắng. Ông Heather McCarty, một nhân viên tư vấn nghề cá ở Juneau (Alaska) cho biết cua hoàng đế đã suy giảm suốt thời gian qua.
Theo các nhà khoa học tại Trung tâm khoa học thủy sản Alaska, thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, vẫn chưa có dữ liệu cụ thể để đưa ra khẳng định chính xác về thực trạng nguồn lợi cua Alaska hiện nay. Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu do nước biển tăng nhiệt cực mạnh vào năm 2019 kéo theo sự di cư của hàng loạt cua và cá biển tới vùng nước mới ở Tây Bắc – nơi chưa từng chứng kiến sự xuất hiện của chúng trước đây.
Ngư dân thì đang chờ đợi xem ngành công nghiệp cua tuyết trị giá 200 triệu USD của Alaska có bị thu hẹp nghiêm trọng trong mùa 2022 – 2023 hay không. Cùng với đó, ngày 15/10, họ sẽ được biết mùa khai thác cua hoàng đế có bị dừng năm thứ 2 liên tiếp hay không.
Ông Jamie Goen, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Alaska Bering Sea Crabbers, cho biết cua cạn kiệt ảnh hưởng nhiều nhất đến ngư dân và các doanh nghiệp gia đình nhỏ. Họ hầu như không có “bảo hiểm mất mùa” dù trên thực tế Bộ Thương mại Mỹ đã chuyển gần 132 triệu USD cho Alaska vì thảm họa thủy sản. Ông cho rằng sẽ phải mất nhiều năm để tiền đến tay những người bị ảnh hưởng. Nếu sản lượng cua suy giảm không phải do chết hàng loạt mà vì chúng di cư lên phía Bắc để đến vùng nước lạnh hơn, việc đi theo để đánh bắt sẽ là quá nguy hiểm đối với ngư dân Alaska. Một phần vì ở đó không có lực lượng Cảnh sát biển Mỹ để ứng phó sự cố hoặc vấn đề y tế.
Gia đình anh Prout đang tìm cách đa dạng hóa thu nhập bằng cách đấu thầu quyền khai thác cá tuyết và cá trích, nhằm tìm cách trả khoản vay 4 triệu USD. “Để bù đắp khoản lỗ 90%, chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Đây là khoảng thời gian ảm đạm đối với ngành. Rất nhiều người sẽ bán tàu hoặc bán hạn ngạch khai thác để kiếm sống”, anh nói.
Dũng Nguyên
Theo Seafoodnews