T3, 13/09/2022 09:57

Bền vững và giá trị dinh dưỡng

(TSVN) – Một trong những động lực thúc đẩy người tiêu dùng bỏ tiền ra mua một sản phẩm thủy, hải sản là tính bền vững và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm đó. Với người tiêu dùng tại các nước phương Tây, thủy, hải sản đạt chứng nhận bền vững và giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe luôn là lựa chọn hàng đầu.

Trong một cuộc khảo sát hơn 12.000 người tiêu dùng tại 12 quốc gia khác nhau về tiêu thụ thủy, hải sản, các chuyên gia của ASC đã nhận thấy rằng lý do đầu tiên và quan trọng nhất thúc đẩy người tiêu dùng tại Đức và Pháp mua một sản phẩm hải sản nào đó là giá trị dinh dưỡng của sản phẩm đó đối với sức khỏe. Hơn 80% người tiêu dùng đều đồng ý rằng các bữa ăn hàng ngày không thể thiếu thực phẩm từ thủy, hải sản, bởi nó tốt cho sức khỏe. Phong trào “ăn tôm cá để khỏe mạnh” đang trỗi dậy mạnh nhất ở Tây Ban Nha, nơi có 96% người tiêu dùng chạy theo xu hướng này. Và tỷ lệ người tiêu dùng chuộng cá và thủy sản tại các nước châu Âu đều không dưới 80%. Nói chung, người tiêu dùng cũng thích hải sản vì đó là món thực phẩm ngon miệng và là phần quan trọng của khẩu phần cân bằng dinh dưỡng.

Tùy từng thị trường, song hầu hết người tiêu dùng (75 – 89%) đều tin rằng ngành công nghiệp thủy, hải sản có khả năng phát triển bền vững và trách nhiệm hơn các ngành khác và điều đó chứng tỏ thực phẩm từ động vật thủy, hải sản là một nguồn protein thân thiện môi trường. Không thể phủ nhận, các chương trình chứng nhận đều nhằm mục đích cải thiện tính bền vững của ngành thủy sản. Mặc dù, người tiêu dùng vẫn chưa hài lòng với mức độ bền vững của ngành công nghiệp thủy sản, nhưng chính bản thân họ cũng đóng góp một vai trò nhỏ vào công cuộc cải thiện tính bền vững của ngành thủy sản. Khi bỏ tiền mua một sản phẩm hải sản được khai thác hoặc nuôi trồng có trách nhiệm, đồng nghĩa người tiêu dùng đó đang tác động tích cực đến đại dương. Do đó, nguồn tin đáng tin cậy nhất về thủy, hải sản bền vững và trách nhiệm đối với người tiêu dùng chính là các chương trình chứng nhận độc lập dán nhãn lên bao bì sản phẩm, hơn là đưa các thông tin về tổ chức môi trường, thương hiệu của nhà sản xuất, bán lẻ hay các thông tin khác.

Đối với thủy sản nuôi, nhãn hiệu bền vững ASC được công nhận rộng rãi nhất với mức độ nhận biết cao nhất tại Hà Lan – nơi hầu hết người tiêu dùng đều nhận biết được nhãn dán này. Tiếp đến là Bỉ, Đức, Pháp, và Mỹ với tỷ lệ người tiêu dùng nhận dạng được nhãn dán ASC ở mức tương đối cao. Thực tế, người tiêu dùng tại các quốc gia này tin tưởng vào nhãn dán ASC là minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng và tính bền vững của sản phẩm.

Mặc dù tính bền vững là yếu tố được cân nhắc hàng đầu khi mua thủy sản, người tiêu dùng không phải lúc nào cũng thường xuyên mua hàng một cách có trách nhiệm. Bên cạnh đó, độ tươi và giá thành cũng là hai yếu tố được người tiêu dùng cân nhắc nhiều nhất khi quyết định mua thủy, hải sản và tính bền vững chỉ là yếu tố phổ biến thứ ba. Nếu phải lựa chọn giữa hải sản nuôi và tự nhiên, đại đa số người tiêu dùng thích sản phẩm tự nhiên hơn, đặc biệt người tiêu dùng tại Tây Ban Nha và Pháp. Thế nhưng người tiêu dùng tại Nhật Bản, Hà Lan hay Australia lại không phân biệt tự nhiên hay nuôi, miễn sản phẩm đó đạt chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao. Do đó, các nhà cung cấp mặt hàng này cũng cần thêm thông tin để giảm bớt lo ngại, cũng như tránh sự phân biệt hoặc quan niệm sai lầm của người tiêu dùng về thủy sản nuôi.

Giám đốc Phát triển Thị trường tại ASC

Peter Redmond

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!