(TSVN) – Các nhà sản xuất thức ăn thủy sản của Indonesia đang gặp thách thức bởi giá nguyên liệu thô cao hơn và nguồn cung gián đoạn. Họ đang nỗ lực để đảm bảo hoạt động kinh doanh bằng cách điều chỉnh giá nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng.
Ông Ujang Komarudin, Cục trưởng Cục thức ăn và thuốc cho cá tại Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, cho biết chiến sự Nga – Ukraine, biến đổi khí hậu và hạn hán kéo dài đã gây ra sự bấp bênh trong giá nguyên liệu sản xuất thức ăn, thậm chí cả khả năng cung cấp nguyên liệu.
“Có những quốc gia cố tình tích trữ khô dầu đậu tương sản xuất trong nước, vì họ phải bảo đảm nguồn dự trữ. Đây là lý do tại sao giá nguyên liệu đầu vào tăng, tác động đến giá thức ăn”, ông Komarudin nói.
Nhiều nhà sản xuất thức ăn thủy sản ở Indonesia đang gặp khó do giá nguyên liệu tăng cao. Ảnh: Aquaasiapac
Ông Angga Aditya Putra Nugraha, Giám đốc công nghệ thức ăn thủy sản tại Sekar Golden Harvesta, Indonesia, cho biết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho tôm và cá chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu cải thiện sau 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng và biến động tỷ giá hối đoái vẫn ám ảnh các doanh nghiệp trong ngành.
“Các đơn vị sản xuất thức ăn phải vật lộn để duy trì chất lượng. Chúng tôi không muốn giảm chất lượng vì điều này sẽ làm giảm năng suất tôm, cá. Do đó, khi giá nguyên liệu tăng cao, các nhà cung cấp thức ăn buộc đã điều chỉnh giá nhiều lần kể từ đầu năm 2022. Việc điều chỉnh giá là gánh nặng đối với người nuôi. Tuy nhiên với nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản ngày càng đã tăng đẩy giá tôm, cá tăng, người nuôi vẫn mua thức ăn dù giá cao”, ông Nugraha nói thêm.
Với giá cao, nhiều người đang chuyển sang các loại cây thay thế như sắn và chàm để làm thức ăn thủy sản. Tuy nhiên, theo ông Komarudin: “Sắn được sử dụng làm thực phẩm và nguyên liệu làm thức ăn, vì thế chúng tôi nên quan tâm đến nguồn cung sẵn có này. Tuy nhiên, sắn có chứa các yếu tố kháng dinh dưỡng và cần phải được chế biến thêm”.
Ông Komarudin nói thêm rằng việc tìm kiếm các nguyên liệu thay thế là điều bắt buộc và sẽ giúp ích cho ngành nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh giá nguyên liệu chính tăng cao và nguồn cung bị gián đoạn.
Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đang khuyến khích người nuôi cá sản xuất thức ăn từ các nguyên liệu thô sẵn có tại địa phương để giảm sự phụ thuộc vào thức ăn thương mại. Ông Komarudin cho biết, thức ăn chiếm 70% chi phí sản xuất. Để giảm chi phí thức ăn, người nuôi có thể sản xuất thức ăn hỗn hợp tại nhà từ các nguyên liệu thô thay thế tại chỗ. Sáng kiến này hy vọng sẽ mang lại kết quả cho việc nuôi trồng thủy sản kết hợp.
Hải Băng
Theo Asian-agribiz